Chi tiết bài viết - Ban quản lý khu kinh tế Tỉnh

Đoàn Lãnh đạo cấp cao tỉnh Quảng Trị thăm và làm việc tại Thái Lan

7:11, Thứ Tư, 23-3-2022

Từ ngày 11 đến 17 tháng 9 năm 2017, đoàn Lãnh đạo cấp cao tỉnh Quảng Trị do đ/c Nguyễn Văn Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh dẫn đầu cùng 04 đ/c Ủy viên Ban Thường vụ Trung ương, 04 đ/c Ủy viên Ban chấp hành Tỉnh ủy và một số Cán bộ Văn phòng Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã có chuyến thăm, làm việc tại Thái Lan.

Đoàn đã đến thăm: Tổ hợp Nhà máy nhiệt điện Mae Moh, Cảng biển Laem Chabang, Khu phức hợp Công nghiệp – Cảng biển Maptaplut, Nhà máy nhiệt điện BLCP, Nhà máy nhiệt điện khí Bắc Bangkok. Sau đây là một số thông tin về các địa điểm khảo sát của đoàn lãnh đạo cấp cao tỉnh Quảng Trị:

1. Tổ hợp Nhà máy nhiệt điện Mae Moh:
Nhà máy nhiệt điện than Mae Moh thuộc Tập đoàn EGAT gồm 13 tổ máy với tổng công suất 2.400 MW, là nhà máy điện than lớn nhất Thái Lan (15% tổng công suất nguồn điện của EGAT), đặt tại tỉnh Lam-pang, phía Bắc của Thái Lan, cách thủ đô Bangkok khoảng 650 km. Tiêu thụ than khoảng 16 triệu tấn/ năm.

2. Cảng biển Laem Chabang:
Cảng Laem Chabang là cảng nhân tạo thuộc tỉnh Chon Buri được xây dựng từ năm 1987 do Cơ quan Cảng biển Thái Lan quản lý. Đây là cảng biển có công suất xếp dỡ lớn nhất Thái Lan với diện tích khoảng 1.014 ha, có độ sâu từ 14 đến 16m và đê chắn sóng dài 3.200m, hiện có thể cho phép tàu có trọng tải tối đa 80.000 DWT vào cảng. Chủ đầu tư đồng thời là cơ quan quản lý chung cảng biển Laem Chabang là Cơ quan cảng biển Thái Lan.
Theo Báo cáo thống kê của Văn phòng Hải quan Cảng Laem Chabang trong năm 2016:
- Giá trị Nhập khẩu đạt khoảng 2 ngàn tỷ Baht (1 Baht tương đương 700 VND đồng)
- Giá trị Xuất khẩu đạt gần 4 ngàn tỷ Baht
- Số lượng Công tơ nơ nhập: 3.311.110 đơn vị TEU (1 TEU tương đương 1 công tơ nơ 20 feet)
- Số lượng Công tơ nơ xuất: 3.784.890 đơn vị TEU
Từ một làng chài 4.800 dân, sau khi Cảng Laem Chabang đi vào hoạt động đã hình thành nên các khu công nghiệp, khu chế xuất tạo việc làm cho trên 60.000 lao động.

3. Khu phức hợp Công nghiệp – Cảng biển Maptaplut:
Khu phức hợp Công nghiệp Maptaphut tỉnh Rayong thuộc Cục quản lý các khu công nghiệp – Bộ Công nghiệp Thái Lan quản lý. Được hình thành từ năm 1981, đây là KCN lớn nhất tập trung các ngành công nghiệp nặng, năng lượng và hóa dầu tại Thái Lan.
Tổng diện tích là 3.500 ha bao gồm 5 KCN và cảng biển. Hiện có trên 140 dự án từ 20 quốc gia đến đầu tư, trong đó nhiều nhất là các doanh nghiệp đến từ Nhật Bản, Hoa Kỳ, Singapore, Ấn Độ. Tại Khu phức hợp này có các nhà máy xử lý khí tự nhiên, lọc hóa dầu, sản xuất các sản phẩm từ dầu mỏ (hạt nhựa, khí thiên nhiên hóa lỏng LNG…). Nguồn khí khai thác tại Vịnh Thái Lan thông qua đường ống dài 300 – 400 km chạy ngầm dưới biển. Khí đốt ngoài việc cung cấp cho các nhà máy trong khu phức hợp còn được vận chuyển bằng các đường ống đến cung cấp cho các nhà máy tại các địa phương khác.
Cảng biển nhân tạo Maptaphut là cảng kết hợp đào và đắp lấn ra phía biển. Có 32 cầu cảng lớn, nhỏ hình thành hệ thống cảng biển đủ năng lực và điều kiện để tàu có trọng tải từ 40.000 đến 150.000 DWT cập cảng thuận lợi.

4. Nhà máy nhiệt điện BLCP:
Nhà máy nhiệt điện than BLCP công suất lắp đặt 2x717 MW, áp dụng công nghệ Siêu tới hạn (Supercritical-SC) được xây dựng trên diện tích đất khoảng 100 ha, sử dụng khoảng 10.000 tấn than/ ngày, đêm ( than được nhập khẩu từ Indonesia và Úc). Bãi chứa than có sức chứa 700.000 tấn than. Xỉ than sau sản xuất được thu gom bán cho các cơ sở sản xuất vật liệu xây dựng xi măng, tồn đọng tại nhà máy rất ít.
Nhà máy nhiệt điện BLCP sử dụng công nghệ Nhật Bản, thiết bị do hãng Mitsubishi cung cấp, lắp đặt và nhà đầu tư là Công ty Banpu đại chúng và Công ty phát điện đại chúng (EGCO) với tỷ lệ 50:50. Các chỉ số về môi trường đều nằm trong giới hạn cho phép, ví dụ hàm lượng SO2 dưới 0,7% (mức cho phép là 1%).
EGCO hiện gồm có 27 nhà máy vận hành và 5 nhà máy nhiệt điện tại 5 quốc gia bao gồm Thái Lan, Lào, Indonesia, Philippines và Úc. Các nhà máy sử dụng 46,67% là khí tự nhiên, 33,13% là than, và 20,20% còn lại là năng lượng tái tạo. Trong năm 2016, doanh thu của công ty đạt 854 triệu USD, trong 6 tháng đầu năm 2017 đạt 524 triệu USD.

5. Nhà máy nhiệt điện khí Bắc Bangkok:
Nhà máy điện Tuabin khí chu trình hỗn hợp Bắc Bangkok với công suất lắp đặt 850 MW. Công suất vận hành thực tế bình quân khoảng 80%. Nhà máy được xây dựng ngay trong khuôn viên Tập đoàn EGAT, sử dụng khí nhập khẩu từ Myanmar, diện tích đất sử dụng cho Nhà máy không nhiều.
 
Tất cả các điểm đến đều được các Lãnh đạo, CBCCVC, chuyên gia nước bạn đón tiếp, giới thiệu đầy đủ, nhiệt tình và chu đáo cung cấp cho đoàn những thông tin bổ ích, thiết thực. Trực tiếp tại chỗ “mắt thấy, tai nghe”, đoàn Lãnh đạo cấp cao tỉnh đã ghi nhận và có nhiều nhận định, đánh giá, rút ra nhiều kinh nghiệm thiết thực để đón nhận dự án Nhà máy Nhiệt điện 1 do EGATi đầu tư với công suất 1.320 MW, tổng vốn đầu tư là 2,5 tỷ USD vào KKT Đông Nam Quảng Trị. Đây là dự án trọng điểm của tỉnh trong thời gian tới, chắc chắn tỉnh sẽ rất quan tâm và tập trung tạo mọi điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư thực hiện dự án này./.

Nguồn tin: Trần Đoàn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Đường dây nóng
hotline
Trưởng ban: 
Ông Phạm Ngọc Minh
0982.595.373
Phó Chánh VP: 
Ông Nguyễn Phước Đại
0903.535.945
Trưởng phòng QLĐTDN: 
Ông Nguyễn Văn Tuấn
0914.064.845
 

 

 

 

Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Quảng Trị
ĐC: 91 Lê Duẩn, TP Đông Hà, Quảng Trị 
ĐT: 0233.3859713 - Fax: 0233.3551729 - Email: bqlkkt@quangtri.gov.vn