Chi tiết bài viết - Ban quản lý khu kinh tế Tỉnh

Giới thiệu các điểm mới và tác động chính của Nghị định số 35/2022/NĐ-CP ngày 28/5/2022 của Chính phủ quy định về quản lý Khu công nghiệp (KCN) và Khu kinh tế (KKT)

Post date: 31/08/2022

1) Sửa đổi bổ sung quy định về quy hoạch khu công nghiệp, khu kinh tế để phù hợp với quy định của Luật Quy hoạch:

i. Bãi bỏ quy định về lập, điều chỉnh, bổ sung và phê duyệt quy hoạch phát triển khu công nghiệp, khu kinh tế và thay thế bằng quy định về phương hướng xây dựng, phương án phát triển hệ thống khu công nghiệp, khu kinh tế.

ii. Quy định rõ khái niệm và nội dung của phương hướng và phương án quy hoạch khu công nghiệp, khu kinh tế như sau:

➢ Phương hướng xây dựng khu công nghiệp, khu kinh tế theo quy định tại điểm d khoản 2 Điều 26 của Luật Quy hoạch là một nội dung quy hoạch vùng, trong đó xác định mục tiêu, định hướng, giải pháp và tổ chức thực hiện về phát triển khu công nghiệp, khu kinh tế ở cấp vùng. Việc lập, thẩm định, phê duyệt và điều chỉnh phương hướng xây dựng khu công nghiệp, khu kinh tế trong quy hoạch vùng được thực hiện theo quy định của pháp luật về quy hoạch.

➢ Phương án phát triển hệ thống khu công nghiệp, khu kinh tế theo quy định tại điểm d khoản 2 Điều 27 của Luật Quy hoạch là một nội dung quy hoạch tỉnh, trong đó xác định mục tiêu, định hướng, giải pháp, tổ chức thực hiện và danh mục phát triển khu công nghiệp, khu kinh tế trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Nghị định đã đưa ra các nội dung cụ thể của phương án phát triển hệ thống khu công nghiệp, khu kinh tế cũng như các điều kiện, nguyên tắc xác định số lượng, quy mô diện tích và địa điểm dự kiến các khu công nghiệp, khu kinh tế. Việc lập, thẩm định, phê duyệt và điều chỉnh phương hướng xây dựng, phương án phát triển hệ thống khu công nghiệp, khu kinh tế được thực hiện theo quy định của pháp luật về quy hoạch.

iii. Bổ sung quy định điều chỉnh khu công nghiệp, khu kinh tế như sau:

➢ Đối với khu công nghiệp (khoản 7 Điều 7): Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định điều chỉnh địa điểm, quy mô diện tích lập quy hoạch xây dựng khu công nghiệp nếu không thay đổi địa bàn cấp huyện trong các trường hợp sau đây:

- Điều chỉnh địa điểm, điều chỉnh quy mô diện tích của khu công nghiệp nhưng không quá 2% và không quá 6 ha so với quy mô diện tích của khu công nghiệp đã được xác định trong Danh mục các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;

- Điều chỉnh địa điểm, điều chỉnh quy mô diện tích của khu công nghiệp không thuộc trường hợp quy định tại điểm a khoản này nhưng không quá 10% và không quá 30 ha so với quy mô diện tích của khu công nghiệp đã được xác định trong Danh mục các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương sau khi có ý kiến bằng văn bản của Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

➢ Đối với khu kinh tế, việc điều chỉnh ranh giới thuộc một trong những trường hợp sau đây (Khoản 2 Điều 18):

- Do thay đổi của quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh, quy hoạch có liên quan làm ảnh hưởng đến phương hướng phát triển của khu kinh tế;

- Giảm quy mô diện tích của khu kinh tế so với quy mô diện tích của khu kinh tế đã được thành lập;

- Tăng quy mô diện tích của khu kinh tế so với quy mô diện tích của khu kinh tế đã được thành lập nhưng không quá 10% để bảo đảm không gian phát triển, tác động lan tỏa của các ngành, lĩnh vực được ưu tiên phát triển của khu kinh tế.

* Đánh giá tác động:
Nghị định Quy định rõ các điều kiện, nguyên tắc xác định số lượng, quy mô diện tích, các trường hợp điều chỉnh khu công nghiệp, khu kinh tế nhằm rút ngắn thời gian, tiết kiệm chi phí cho địa phương trong quá trình lập, thẩm định và điều chỉnh quy hoạch khu công nghiệp, khu kinh tế trong quy hoạch vùng, tỉnh.

Theo đó, các doanh nghiệp hiểu rõ các điều kiện phải tuân thủ khi thực hiện quy hoạch khu công nghiệp, khu kinh tế và dễ dàng tiếp cận hệ thống quy hoạch khu công nghiệp, khu kinh tế của các địa phương.

2) Về xem xét, chấp thuận chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp

i. Về diện tích khu công nghiệp
Nghị định bổ sung quy định khu công nghiệp có quy mô diện tích trên 500 ha được đầu tư theo các giai đoạn, quy mô diện tích của khu công nghiệp theo mỗi giai đoạn được chấp thuận chủ trương đầu tư tối đa không quá 500 ha/dự án đầu tư hoặc 500 ha/giai đoạn (khoản 2 Điều 9).

ii. Về việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án khu công nghiệp
Nghị định bổ sung quy định khu công nghiệp có yêu cầu chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa 02 vụ trở lên với quy mô trên 200 ha (ĐB Sông Hồng, ĐB Sông Cửu Long) hoặc trên 150 ha (vùng Bắc Trung Bộ, duyên hải miền Trung và Đông Nam Bộ) được đầu tư theo các giai đoạn, diện tích chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa 02 vụ trở lên trong phạm vi khu công nghiệp theo mỗi giai đoạn được chấp thuận chủ trương đầu tư tối đa không quá 200 ha/dự án đầu tư hoặc 200 ha/giai đoạn (khoản 2 Điều 9).

iii. Về tỷ lệ lấp đầy
Nghị định tiếp tục giữ quy định về tỷ lệ lấp đầy đối với các khu công nghiệp. Tuy nhiên, để đảm bảo sự phát triển cân đối giữa các địa phương, khuyến khích sự phát triển của các loại hình khu công nghiệp mới, Nghị định bổ sung quy định không bắt buộc áp dụng điều kiện về tỷ lệ lấp đầy trong một số trường hợp như: (i) tổng diện tích đất tự nhiên của các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương dưới 1.000 ha ; (ii) khu công nghiệp thuộc địa bàn ưu đãi đầu tư; (iii) dự án hạ tầng khu công nghiệp hoạt động theo các loại hình khu công nghiệp sinh thái, khu công nghiệp hỗ trợ, khu công nghiệp chuyên sâu, khu công nghiệp khoa học công nghệ.

iv. Về năng lực của nhà đầu tư
Nghị định bổ sung quy định điều kiện về năng lực của nhà đầu tư dự án hạ tầng khu công nghiệp (Điều 10), bao gồm: đáp ứng điều kiện quy định tại pháp luật về kinh doanh bất động sản, pháp luật về đất đai và có đủ khả năng góp vốn chủ sở hữu để thực hiện dự án. Việc đáp ứng các điều kiện này căn cứ để xem xét chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời với chấp thuận nhà đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư.

* Đánh giá tác động:
Các quy định nêu trên giúp hạn chế việc đầu tư tràn lan khu công nghiệp, nâng cao hiệu quả sử dụng đất, nâng cao khả năng chọn lọc các nhà đầu tư có năng lực, kinh nghiệm, đảm bảo thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp có hiệu quả và chất lượng; hạn chế việc chuyển đổi diện tích đất lúa 02 vụ, đảm bảo an ninh lương thực, ổn định cuộc sống người dân. Đối với doanh nghiệp: minh bạch hóa các điều kiện giúp các daonh nghiệp có căn cứ để thực hiện các thủ tục đầu tư các dự án hạ tầng khu công nghiệp.

3) Sửa đổi bổ sung các quy định về chính sách nhằm tháo gỡ khó khăn và thúc đẩy phát triển khu công nghiệp, khu kinh tế

i. Bổ sung phương thức thu hút vốn đầu tư
Nghị định bổ sung quy định về khu kinh tế trọng điểm. Khu kinh tế thuộc danh mục các khu kinh tế trọng điểm được ưu tiên đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước và nguồn kinh phí hợp pháp khác để đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội trong khu kinh tế theo quy định của pháp luật về đầu tư công, ngân sách nhà nước và pháp luật có liên quan (Điều 23).

ii. Quy định về hoạt động chế xuất
➢ Bổ sung định nghĩa về hoạt động chế xuất và doanh nghiệp chế xuất như sau (khoản 20,21 Điều 2):
Hoạt động chế xuất là hoạt động chuyên sản xuất hàng xuất khẩu, cung ứng dịch vụ cho sản xuất hàng xuất khẩu và hoạt động xuất khẩu.
Doanh nghiệp chế xuất là doanh nghiệp được thành lập trong khu chế xuất, khu công nghiệp và khu kinh tế.
➢ Quy định riêng áp dụng đối với khu chế xuất, doanh nghiệp chế xuất để giải quyết khó khăn, vướng mắc hiện nay. Bao gồm các nội dung (Điều 26):
- Quan hệ trao đổi hàng hóa giữa doanh nghiệp chế xuất với các khu vực khác trên lãnh thổ Việt Nam, không phải khu phi thuế quan, là quan hệ xuất khẩu, nhập khẩu.
- Doanh nghiệp chế xuất được thực hiện các hoạt động kinh doanh khác theo quy định của pháp luật về đầu tư, doanh nghiệp và pháp luật khác có liên quan.
- Doanh nghiệp chế xuất được thành lập chi nhánh theo quy định của pháp luật về đầu tư, doanh nghiệp để thực hiện hoạt động chế xuất. Chi nhánh của doanh nghiệp chế xuất được áp dụng cơ chế đối với doanh nghiệp chế xuất quy định tại Điều này nếu đáp ứng được các điều kiện tại khoản 2 Điều này, được thành lập trong khu chế xuất, khu công nghiệp, khu kinh tế và hạch toán phụ thuộc vào doanh nghiệp chế xuất.
- Trong trường hợp không đủ mặt bằng để bố trí kho lưu giữ hàng hóa phục vụ hoạt động chế xuất trong khu chế xuất, khu công nghiệp, khu kinh tế, doanh nghiệp chế xuất được thuê mặt bằng ngoài khu công nghiệp, khu kinh tế để thực hiện lưu giữ hàng hóa.
- Doanh nghiệp chế xuất được bán hàng hóa vào thị trường nội địa và phải nộp thuế nhập khẩu áp dụng đối với hàng hóa nhập khẩu theo quy định của pháp luật.

iii. Về khu công nghiệp - đô thị - dịch vụ
Sửa lại khái niệm Khu công nghiệp - đô thị - dịch vụ: gồm các khu chức năng: khu công nghiệp là khu chức năng chính; khu đô thị - dịch vụ có chức năng hỗ trợ, cung ứng các dịch vụ và tiện tích xã hội và công cộng cho khu công nghiệp (có thể bao gồm các phân khu chức năng như: nhà ở, bệnh viện, trường học, khu văn hóa, thể thao, công viên, trung tâm đổi mới sáng tạo, trung tâm nghiên cứu và phát triển, trung tâm ươm tạo doanh nghiệp và một số hạng mục công trình kinh tế - xã hội khác), được đầu tư, xây dựng đồng bộ để đảm bảo sự phát triển hiệu quả, bền vững về kinh tế, xã hội, môi trường của khu công nghiệp.
Bổ sung nội dung về trình tự, thủ tục đầu tư khu công nghiệp - đô thị - dịch vụ và chuyển đổi mô hình khu công nghiệp hiện hữu sang mô hình khu công nghiệp - đô thị - dịch vụ tại Nghị định.

* Đánh giá tác động:
Việc thiếu sự thống nhất giữa các quy định của phá luật khác nhau và chưa quy định một số điều chỉnh của khu công nghiệp đã gây ra rất nhiều khó khăn, vướng mắc, thậm chí là rủi ro pháp lý cho tổ chức, cá nhân có trách nhiệm thực thi các hoạt động đầu tư trong khu công nghiệp đặc biệt là các hoạt động liên quan đến xây dựng nhà ở cho người lao động. Do vậy, việc sửa đổi, hoàn thiện các quy định này nhằm điều chỉnh hoạt động đầu tư trong khu công nghiệp giúp cho các chủ thể tham gia việc thực hiện quy định nêu trên tiết kiệm thời gian, chi phí, giảm thiểu rủi ro trong quá trình áp dụng pháp luật.

4) Về nhà ở và các công trình dịch vụ, tiện ích cho người lao động trong khu công nghiệp

i. Khi xác định Danh mục các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, phải đảm bảo quỹ đất để quy hoạch xây dựng nhà ở, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng cho người lao động làm việc trong các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tối thiểu là 2% tổng diện tích của các khu công nghiệp[ Theo thống kê hiện nay, trung bình 92 lao động/ha đất công nghiệp; trong 100 ha đất tự nhiên thì trung bình có khoảng 70 ha đất công nghiệp. Do vậy, trung bình khoảng 6.400 lao động/100 ha đất tự nhiên khu công nghiệp. Căn cứ số liệu nêu trên và các quy chuẩn, định mức về nhà ở theo pháp luật về xây dựng, một khu công nghiệp cần có quỹ đất để xây dựng nhà ở và các công trình dịch vụ, tiện ích công cộng cho người lao động tương ứng là 2%.] (khoản 4 Điều 4).

ii. Quy định khái niệm diện tích đất dịch vụ trong khu công nghiệp để xây dựng công trình dịch vụ, tiện ích công cộng, cơ sở lưu trú cho người lao động làm việc trong khu công nghiệp (khoản 19, khoản 23 Điều 2 và khoản 12 Điều 7). Việc tạm trú, lưu trú tại cơ sở lưu trú trong khu công nghiệp có thời hạn theo dự án đầu tư; chỉ thực hiện dưới hình thức cho thuê lại, không được bán nên không hình thành đơn vị ở, không sở hữu nhà lâu dài.

iii. Một trong các điều kiện xem xét, chấp thuận chủ trương đầu tư dự án hạ tầng khu công nghiệp là có quy hoạch xây dựng khu nhà ở và các công trình dịch vụ, tiện ích công cộng cho người lao động làm việc trong khu công nghiệp hoặc cụm các khu công nghiệp được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của pháp luật về nhà ở và pháp luật có liên quan (khoản 7 Điều 9).
iv. Một trong các điều kiện xem xét, mở rộng khu công nghiệp là đã xây dựng, đưa vào sử dụng khu nhà ở và công trình dịch vụ, tiện ích công cộng cho người lao động làm việc trong khu công nghiệp hoặc cụm các khu công nghiệp đã được thành lập trước đó theo quy hoạch được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt (khoản 8 Điều 9).

v. Các quy định nhằm khuyến khích phát triển nhà ở, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng cho người lao động làm việc trong khu công nghiệp, khu kinh tế (Điều 29).

* Đánh giá tác động:
Hoàn thiện cơ chế để đầu tư xây dựng nhà ở cho người lao động trong khu công nghiệp giúp gia tăng và bùng nổ số lượng nhà ở công nhân và số lượng các tổ chức, doanh nghiệp đầu tư xây dựng, đóng góp quan trọng vào phát triển linh vực nhà ở xã hội.

5) Các quy định đảm bảo sự phát triển cân đối giữa các địa phương; hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, các doanh nghiệp khác thuộc diện được ưu tiên, hỗ trợ

i. Nghị định bổ sung quy định khi xem xét quyết định chủ trương đầu tư các dự án hạ tầng khu công nghiệp. Theo đó khu công nghiệp phải dành tối thiểu 5 ha đất hoặc tối thiểu 3% tổng diện tích đất công nghiệp của khu công nghiệp để cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, đối tượng được hưởng ưu đãi đầu tư theo quy định tại điểm e, điểm g khoản 2 Điều 15 của Luật Đầu tư, các doanh nghiệp khác thuộc diện được ưu tiên, hỗ trợ về mặt bằng sản xuất kinh doanh theo quy định của pháp luật thuê đất, thuê lại đất. (khoản 4 Điều 9).

ii. Trong quá trình xem xét, chấp thuận chủ trương đầu tư, không áp dụng điều kiện về tỷ lệ lấp đầy (60%) khi đầu tư thêm 01 dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp trong các trường hợp sau đây: (i) tổng diện tích đất tự nhiên của các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương dưới 1.000 ha ; (ii) khu công nghiệp thuộc địa bàn ưu đãi đầu tư; (iii) dự án hạ tầng khu công nghiệp hoạt động theo các loại hình khu công nghiệp sinh thái, khu công nghiệp hỗ trợ, khu công nghiệp chuyên sâu, khu công nghiệp khoa học công nghệ.(Khoản 6 Điều 9).

* Đánh giá tác động:
Việc áp dụng linh hoạt tỷ lệ lấp đầy 60% đối với các trường hợp trong Nghị định cũng tạo điều kiện cho các địa phương tại các vùng kinh tế khó khăn, đặc biệt khó khăn mở rộng cơ hội thu hút đầu tư các khu công nghiệp, tạo thêm công ăn việc làm cho người lao động, đóng góp kinh tế của địa phương nói chung và cả nước nói riêng; khuyến khích phát triển các mô hình khu công nghiệp ít thâm dụng lao động nhưng thâm dụng vốn, đảm bảo phát triển bền vững theo chiều rộng và chiều sâu.
Các thay đổi này giúp các doanh nghiệp nhỏ và vừa có thể tiếp cận được cơ sở hạ tầng đồng bộ, hiện đại để phục vụ sản xuất kinh doanh; tăng niềm tin vào các cơ quan quản lý nhà nước trong việc đồng hành, sát cánh và tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp.

6) Bổ sung một số nội dung liên quan đến khu công nghiệp và các mô hình khu công nghiệp mới
Nghị định bổ sung quy định nhằm đẩy mạnh sự phát triển các loại hình khu công nghiệp, khu kinh tế mới (điểm c, điểm đ khoản 1, điểm c khoản 13 Điều 2 và Chương V) bao gồm:

i. Bổ sung loại hình khu công nghiệp chuyên ngành. Đây là loại hình khu công nghiệp chuyên sản xuất và cung ứng dịch vụ cho sản xuất các sản phẩm thuộc một ngành, nghề nhất định như: dệt may, da giày, điện tử, ô tô... Tỷ lệ diện tích đất công nghiệp cho các dự án đầu tư vào ngành, nghề này thuê đất, thuê lại đất tối thiểu đạt 60% diện tích đất công nghiệp có thể cho thuê của khu công nghiệp. Việc bổ sung thêm loại hình khu công nghiệp này nhằm mục tiêu hình thành liên kết sản xuất và đẩy mạnh hợp tác sản xuất kinh doanh giữa các doanh nghiệp trong cùng một ngành trong khu công nghiệp.

ii. Bổ sung loại hình khu công nghiệp công nghệ cao. Đây là loại hình là khu công nghiệp có các dự án đầu tư khoa học và công nghệ, công nghệ cao, chuyển giao công nghệ, bảo vệ môi trường, khởi nghiệp sáng tạo, đổi mới sáng tạo, nghiên cứu và phát triển, giáo dục và đào tạo, sản xuất hàng công nghiệp và cung ứng dịch vụ cho sản xuất công nghiệp. Tỷ lệ diện tích đất công nghiệp cho các dự án đầu tư khoa học và công nghệ, công nghệ cao, chuyển giao công nghệ, bảo vệ môi trường, khởi nghiệp sáng tạo, đổi mới sáng tạo, nghiên cứu và phát triển, giáo dục và đào tạo thuê đất, thuê lại đất tối thiểu đạt 30% diện tích đất công nghiệp của khu công nghiệp. Việc bổ sung thêm loại hình khu công nghiệp này nhằm mục tiêu nâng cao trình độ và năng lực công nghệ, kỹ năng sản xuất tiên tiến, hiện tại của các doanh nghiệp trong khu công nghiệp.

iii. Bổ sung khu phi thuế quan trong khu kinh tế. Đây là khu vực có ranh giới địa lý được xác định trong quy hoạch chung xây dựng khu kinh tế, ngăn cách với khu vực bên ngoài bằng hàng rào cứng, bảo đảm điều kiện cho hoạt động kiểm tra, giám sát, kiểm soát hải quan của cơ quan hải quan và các cơ quan có liên quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu và phương tiện vận tải, hành khách xuất cảnh, nhập cảnh, hàng hóa, phương tiện vận tải và người ra vào; quan hệ mua bán, trao đổi hàng hóa giữa khu phi thuế quan với bên ngoài là quan hệ xuất khẩu, nhập khẩu.

iv. Bổ sung các quy định về chính sách hỗ trợ và hợp tác phát triển, tiêu chí xác định, ưu đãi, chứng nhận, trình tự, thủ tục đăng ký chứng nhận khu công nghiệp sinh thái.

* Đánh giá tác động:
Đây là các bổ sung mang lại lợi ích trực tiếp cho nhà đầu tư. Theo đó, các quy định này là cơ sở giúp các doanh nghiệp phát triển các khu công nghiệp giải quyết được các vấn đề nổi lên trong thời gian qua là nhu cầu phát triển các khu chuyên sản xuất một sản phẩm (điện tử, dệt may…) và các khu công nghiệp công nghệ cao nhằm nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư, đáp ứng yêu cầu của các nhà đầu tư lớn trong và ngoài nước; giúp các nhà đầu tư có nhiều lựa chọn khác nhau khi đầu tư vào các mô hình khu ở Việt Nam.

Ngoài ra, Nghị định góp phần hoàn thiện cơ chế chính sách về khu công nghiệp sinh thái, tạo niềm tin của nhà đầu tư, doanh nghiệp và người dân vào các mô hình hoạt động về khu công nghiệp xanh, hướng đến phát triển bền vững tại Việt Nam và góp phần thúc đẩy chuyển đổi các khu công nghiệp hiện hữu sang khu công nghiệp sinh thái, tăng việc làm có chất lượng tại địa phương thông qua cải thiện điều kiện làm việc, tăng cường gắn kết và nâng cao lợi ích cộng đồng và trách nhiệm xã hội đối với cộng đồng xung quanh khu công nghiệp.

7) Giá cho thuê đất trong khu công nghiệp
Nghị định bổ sung quy định về biện pháp xử lý trong trường hợp giá cho thuê lại đất trong khu công nghiệp tăng trên 10% so với khung giá cho thuê lại đất đã đăng ký với Ban quản lý các khu công nghiệp. Cụ thể, Ban quản lý khu công nghiệp quyết định việc thực hiện các biện pháp về giá sau đây:

i. Trên cơ sở đánh giá mức độ ảnh hưởng đến môi trường đầu tư kinh doanh trên địa bàn, Ban quản lý khu công nghiệp, khu kinh tế đề nghị nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp, khu chức năng trong khu kinh tế đăng ký lại khung giá và các loại phí sử dụng hạ tầng trước thời hạn và giải trình về sự thay đổi của khung giá và các loại phí sử dụng hạ tầng;

ii. Trường hợp cần thiết, Ban quản lý khu công nghiệp, khu kinh tế tổ chức thẩm định khung giá và các loại phí sử dụng hạ tầng do nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp, khu chức năng trong khu kinh tế đăng ký.

* Đánh giá tác động:
Đảm bảo hài hòa lợi ích kinh tế giữa nhà đầu tư hạ tầng khu công nghiệp và các doanh nghiệp đầu tư vào khu công nghiệp. Các Nhà đầu tư hạ tầng khu công nghiệp vẫn đảm bảo yếu tố lợi nhuận trong việc đầu tư các dự án hạ tầng khu công nghiệp trong khi duy trì lợi thế về thu hút đầu tư.
Đối với doanh nghiệp: tạo môi trường đầu tư bình đẳng, tăng niềm tin của các doanh nghiệp vào quản lý nhà nước về khu công nghiệp, khu kinh tế. Tuy nhiên, giải pháp này cũng có hai mặt với nhà đầu tư hạ tầng khu công nghiệp, khu kinh tế. Đối với các nhà đầu tư mà mục tiêu đầu tư dự án nhằm tận dụng lợi thế về mô hình bất động sản khu công nghiệp, nâng giá, chèn ép các nhà đầu tư thứ cấp về giá thì quy định này sẽ là rào cản không cho nhà đầu tư đạt được mục đích của mình. Đối với các nhà đầu tư nghiêm túc, có ý thức cao trong việc thực hiện các cam kết của mình, giải pháp đưa ra sẽ giúp nhà đầu tư hiểu rõ trách nhiệm của mình trong việc duy trì môi trường đầu tư vào khu công nghiệp, khu kinh tế và những hệ quả pháp lý sẽ xảy ra trong trường hợp vi phạm cam kết với nhà nước.

8) Bổ sung nội dung về Hệ thống thông tin quốc gia về khu công nghiệp, khu kinh tế
Nghị định (Chương V) về Hệ thống thông tin quốc gia về khu công nghiệp, khu kinh tế cụ thể như sau:

i. Chức năng của hệ thống thông tin quốc gia về khu công nghiệp, khu kinh tế bao gồm: (i) cung cấp thông tin về các khu công nghiệp, khu kinh tế trên cả nước; (ii) đánh giá hiệu quả và cung cấp thông tin phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành: (iii) thực hiện các thủ tục hành chính công về đầu tư kinh doanh và các thủ tục khác; (iv) cung cấp thông tin phục vụ quản lý nhà nước khác.

ii. Yêu cầu đối với hệ thống thông tin quốc gia về khu công nghiệp, khu kinh tế: đảm bảo tính chính xác, đầy đủ, khoa học, đồng bộ, kết nối, cập nhật thường xuyên, sử dụng lâu dài; đảm bảo sử dụng đúng mục đích theo quy định của pháp luật.

iii. Nội dung hệ thống thông tin quốc gia về khu công nghiệp, khu kinh tế bao gồm các nhóm chỉ tiêu về kinh tế, nhóm chỉ tiêu về xã hội và nhóm chỉ tiêu về môi trường. Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn việc thu thập, xử lý, lưu trữ, khai thác, sử dụng thông tin, cơ sở dữ liệu về khu công nghiệp, khu kinh tế để xây dựng thông tin quốc gia về khu công nghiệp, khu kinh tế và tổ chức đánh giá hiệu quả hoạt động của các khu công nghiệp, khu kinh tế trên phạm vi cả nước.

iv. Chi phí xây dựng, vận hành hệ thống thông tin thông tin quốc gia về khu công nghiệp, khu kinh tế: sử dụng nguồn vốn sự nghiệp, nguồn vốn đầu tư phát triển theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước, nguồn vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài, nguồn vốn huy động từ xã hội hóa và các nguồn tài trợ và các nguồn vốn hợp pháp khác.

v. Quy định trách nhiệm của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong việc xây dựng và vận hành hệ thống, đảm bảo thống nhất, an toàn, thông suốt.

* Đánh giá tác động:
Giảm chi phí về thủ tục hành chính và các chi phí tuân thủ khác có liên quan cho nhà đầu tư, doanh nghiệp, cơ quan quản lý nhà nước thông qua việc thực hiện các báo cáo trên Hệ thống. Ngoài ra, hệ thống còn nâng cao hiệu quả trong công tác xúc tiến đầu tư thông qua việc các cá nhân và doanh nghiệp được hưởng lợi từ việc tra cứu các thông tin về pháp luật, môi trường đầu tư, thông tin ngành nghề, tình hình hoạt động của các khu công nghiệp, khu kinh tế để phân tích, đánh giá và đưa ra các quyết định đầu tư đúng đắn.

Đối với các nhà đầu tư và doanh nghiệp trong khu công nghiệp, khu kinh tế: thuận lợi, nhanh chóng trong việc thực hiện công tác báo cáo trực tuyến cho các cơ quan quản lý; tăng niềm tin cho doanh nghiệp trong việc đầu tư vào khu công nghiệp, khu kinh tế. Đối với các cá nhân, tổ chức có nhu cầu: có thể tra cứu thông tin trong cơ sở dữ liệu được phép công khai theo quy định.

9) Về thành lập khu công nghiệp
Nghị định bãi bỏ quy định thành lập khu công nghiệp, thay vào đó quy định về thành lập khu công nghiệp như sau:
Khu công nghiệp đã được thành lập là việc cấp có thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư, quyết định chủ trương đầu tư, cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, Giấy chứng nhận đầu tư, Giấy phép đầu tư hoặc Giấy tờ có giá trị pháp lý tương đương theo quy định của pháp luật về đầu tư hoặc quyết định đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư công hoặc quyết định thành lập theo quy định của pháp luật về khu công nghiệp.

* Đánh giá tác động:
Việc cải cách quy định về thủ tục này giúp người dân và doanh nghiệp tiết kiệm được chi phí, thời gian trong quá trình hoạt động, giúp làm giảm thiểu rủi ro đối với hoạt động kinh doanh và đối với những người tham gia quản lý, vận hành việc kinh doanh./.

Tác giả bài viết: Bùi Thị Kiều Phương

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Đường dây nóng
hotline
Trưởng ban: 
Ông Phạm Ngọc Minh
0982.595.373
Phó Chánh VP: 
Ông Nguyễn Phước Đại
0903.535.945
Trưởng phòng QLĐTDN: 
Ông Nguyễn Văn Tuấn
0914.064.845
 

 

 

 

Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Quảng Trị
ĐC: 91 Lê Duẩn, TP Đông Hà, Quảng Trị 
ĐT: 0233.3859713 - Fax: 0233.3551729 - Email: bqlkkt@quangtri.gov.vn