Chi tiết bài viết - Ban quản lý khu kinh tế Tỉnh

Những điểm mới và các quy định mới liên quan đến Luật bảo vệ môi trường kể từ năm 2022

Post date: 11/11/2022

 

I. Luật Bảo vệ môi trường số 72/QH/2020 ngày 17/11/2020:

Ngày 17/11/2020, tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIV đã thông qua Luật Bảo vệ môi trường. Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2022; riêng tại Khoản 3 Điều 29 của Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 02 năm 2021.

Về cơ bản Luật BVMT 2020 đã kế thừa phát huy các yếu tố tích cực trong việc thực hiện các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường thời gian qua (BVMT), bổ sung các nội dung mới, khắc phục các tồn tại, hạn chế và bất cập về BVMT của các quy định trước đây. 

Luật BVMT 2020 gồm 16 chương, 171 điều; được bố cục lại so với Luật BVMT 2014.

So với Luật BVMT năm 2014, Luật BVMT 2020 có những điểm mới mang tính đột phá chính như sau:

- Lần đầu tiên, cộng đồng dân cư được quy định là một chủ thể trong công tác BVMT; tăng cường công khai thông tin, tham vấn, phát huy vai trò của cộng đồng.

- Thay đổi phương thức quản lý môi trường đối với dự án đầu tư theo các tiêu chí môi trường; kiểm soát chặt chẽ dự án có nguy cơ tác động xấu đến môi trường mức độ cao, thực hiện hậu kiểm đối với các dự án có công nghệ tiên tiến và thân thiện môi trường; cắt giảm thủ tục hành chính.

- Đã định chế nội dung sức khỏe môi trường; bổ sung nhiều giải pháp bảo vệ các thành phần môi trường, đặc biệt là môi trường không khí, môi trường nước.

- Thúc đẩy phân loại rác thải tại nguồn; định hướng cách thức quản lý, ứng xử với chất thải, góp phần thúc đẩy kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam.

- Lần đầu tiên chế định về thẩm quyền quản lý nhà nước dựa trên nguyên tắc quản lý tổng hợp, thống nhất, một việc chỉ giao cho một cơ quan chủ trì thực hiện; phân cấp triệt để cho địa phương.

- Lần đầu chế định cụ thể về kiểm toán môi trường nhằm tăng cường năng lực, hiệu quả quản lý môi trường của doanh nghiệp.

- Cụ thể hóa các quy định về ứng phó BĐKH, thúc đẩy phát triển thị trường các-bon trong nước.

- Hoàn thiện hành lang pháp lý bảo vệ di sản thiên nhiên phù hợp với pháp luật quốc tế về di sản thế giới, đáp ứng yêu cầu của quá trình hội nhập quốc tế.

- Tạo lập chính sách phát triển các mô hình tăng trưởng kinh tế bền vững, thúc đẩy kinh tế tuần hoàn, phục hồi và phát triển nguồn vốn tự nhiên.

II. Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10/01/2022 của Chính phủ hướng dẫn chi tiết Luật Bảo vệ môi trường; Thông tư số 02/2022/TT-BTNMT ngày 10/01/2022 của Bộ Tài nguyên môi trường quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Bảo vệ môi trường:

Vào ngày 10/01/2022, để hướng dẫn chi tiết Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 08/2022/NĐ-CP; trên cơ sở đó Bộ Tài nguyên môi trường đã ban hành Thông tư số 02/2022/TT-BTNMT quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020.

1. Nghị định 08/2022/NĐ-CP được Chính phủ ban hành có hiệu lực ngay từ 10/1/2022:

Đây chính là cơ sở để kịp thời triển khai, đưa các quy định của Luật Bảo vệ môi trường áp dụng vào thực tiễn một cách đồng bộ, thống nhất và hiệu quả.

Nghị định đã quy định chi tiết các nội dung của Luật Bảo vệ môi trường về bảo vệ các thành phần môi trường; phân vùng môi trường, đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường; giấy phép môi trường, đăng ký môi trường; bảo vệ môi trường trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, đô thị, nông thôn và một số lĩnh vực; quản lý chất thải; trách nhiệm tái chế, xử lý sản phẩm, bao bì của tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu; quan trắc môi trường; hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu về môi trường; phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường, bồi thường thiệt hại về môi trường; công cụ kinh tế và nguồn lực bảo vệ môi trường; quản lý nhà nước, kiểm tra, thanh tra và cung cấp dịch vụ công trực tuyến về bảo vệ môi trường.

Nghị định áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cộng đồng dân cư, hộ gia đình và cá nhân có hoạt động liên quan đến các nội dung quy định nêu trên trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, bao gồm đất liền, hải đảo, vùng biển, lòng đất và vùng trời. Nghị định có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành và quy định cụ thể về sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đển bảo vệ môi trường. Cụ thể:

Sửa đổi, bổ sung một số điều của: Nghị định số 201/2013/NĐ-CP ngày 27 tháng 11 năm quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tài nguyên nước; Nghị định sổ 67/2018/NĐ-CP ngày 14 tháng 5 năm 2018 quy định chi tiết một số điều của Luật Thủy lợi; Nghị định số 23/2020/NĐ-CP ngày 24 tháng 02 nãm 2020 quy định về quản lý cát, sỏi lòng sông và bảo vệ lòng, bờ, bãi sông.

Bãi bỏ: Quyết định số 16/2015/QĐ-TTg ngày 22 tháng 5 năm 2015 quy định về thu hồi, xử lý sản phẩm thải bỏ; Nghị định số 03/2015/NĐ-CP ngày 06 tháng 01 năm 2015 quy định về xác định thiệt hại đối với môi trường; Nghị định số 18/2015/NĐ-CP ngày 14 tháng 02 năm 2015 quy định về quy hoạch bảo vệ môi trường, đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường và kế hoạch bảo vệ môi trường; Nghị định số 19/2015/NĐ-CP ngày 14 tháng 02 năm 2015 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Bảo vệ môi trường; Nghị định số 38/2015/NĐ-CP ngày 24 tháng 4 năm 2015 của Chính phủ về quản lý chất thải và phế liệu; Nghị định số 127/2014/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2014 quy định điều kiện của tổ chức hoạt động dịch vụ quan trắc môi trường; Nghị định số 40/2019/NĐ-CP ngày 13 tháng 5 năm 2019 về sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ môi trường; Nghị định số 54/2021/NĐ-CP ngày 21 tháng 5 năm 2021 quy định về đánh giá sơ bộ tác động môi trường; Bãi bỏ, sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 82/2019/NĐ- CP ngày 12 tháng 11 năm 2019 quy định về nhập khẩu, phá dỡ tàu biển đã qua sử dụng; Bãi bỏ Điều 4, Điều 24 và khoản 3 Điều 45 Nghị định số 80/2014/NĐ- CP ngày 06 tháng 8 năm 2014 quy định về thoát nước và xử lý nước thải.

2. Thông tư số 02/2022/TT-BTNMT ngày 10/01/2022 của Bộ Tài nguyên môi trường quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Bảo vệ môi trường

Thông tư ban hành có hiệu lực từ ngày 10/01/2022. Đồng nghĩa với việc tiến hành sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến bảo vệ môi trường như sau:

1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của thông tư số 76/2017/TT-BTNMT ngày 29 tháng 12 năm 2017 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định về đánh giá khả năng tiếp nhận nước thải, sức chịu tải của nguồn nước sông, hồ.

2. Điều khoản chuyển tiếp

a, Các mã chất thải nguy hại số 01 04 07, 02 05 01, 03 01 08, 03 02 08, 03 03 08, 03 04 08, 03 05 08, 03 06 08, 03 07 08, 04 02 04, 10 02 03, 12 06 06 12 06 07, 12 06 08, 12 07 05 tại Danh mục mã chất thải nguy hại ban hành kèm theo Thông tư số 36/2015/TT-BTNMT ngày 30 tháng 6 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường về quản lý chất thải nguy hại được thay thế bằng mã chất thải nguy hại số 12 06 05 quy định tại mẫu số 01 Phụ lục III ban hành kèm theo Thông tư này.

b, Cơ sở đã đăng ký chủ nguồn thải chất thải nguy hại có các mã chất thải nguy hại quy định tại khoản 1 Điều này trước ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành thì tiếp tục được sử dụng các mã chất thải nguy hại này và được phép chuyển giao cho cơ sở xử lý chất thải nguy hại được cấp phép xử lý mã chất thải nguy hại số 12 06 05 cho đến khi được cấp giấy phép môi trường hoặc đăng ký môi trường.

c, Cơ sở đã được cấp giấy phép xử lý chất thải nguy hại (giấy phép môi trường thành phần) có các mã chất thải nguy hại quy định tại khoản 1 điều này trước ngày thông tư này có hiệu lực thi hành thì được tiếp tục thu gom, xử lý các mã chất thải nguy hại này và mã chất thải nguy hại số 12 06 05 cho đến khi giấy phép môi trường thành phần hết hiệu lực.

d, Kể từ ngày thông tư này có hiệu lực thi hành, chủ nguồn thải chất thải nguy hại, cơ sở xử lý chất thải nguy hại sử dụng mã chất thải nguy hại số 12 06 05 cho các mã chất thải quy định tại khoản 1 điều này.

3. Kể từ ngày thông tư này có hiệu lực thi hành các thông tư sau hết hiệu lực thi hành:
a, Thông tư số 19/2015/TT-BTNMT ngày 23 tháng 4 năm 2015 của Bộ Trưởng Bộ Tài nguyên và Môi Trường quy định chi tiết việc phẩm định điều kiện hoạt động dịch vụ quan trắc môi trường và mẫu giấy chứng nhận;

b, Thông tư số 22/2015/TT-BTNMT ngày 28 tháng 5 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ Tài Nguyên và Môi Trường quy định về bảo vệ môi trường trong sử dụng dung dịch khoan; quản lý chất thải và quan trắc môi trường đối với các hoạt động dầu khí trên biển;

c, Thông tư số 35/2015/TT- BTNMT ngày 30 tháng 6 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ Tài Nguyên và Môi Trường về bảo vệ môi trường khu kinh tế, khu công nghiệp, khu chế xuất và khu công nghệ cao;

d, Thông tư số 36/2015/TT- BTNMT ngày 30 tháng 6 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ Tài Nguyên và Môi Trường về quản lý chất thải nguy hại;

đ, Thông tư số 38/2015/TT- BTNMT ngày 30 tháng 6 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ Tài Nguyên và Môi Trường về cải tạo, phục hồi môi trường trong hoạt động khai thác khoáng sản;

e, Thông tư số 43/2015/TT- BTNMT ngày 29 tháng 9 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ Tài Nguyên và Môi Trường về báo cáo hiện trạng môi trường, bộ chỉ thị môi trường và quản lý số liệu quan trắc môi trường;

g, Thông tư số 19/2016/TT- BTNMT ngày 24 tháng 8 năm 2016 của Bộ trưởng Bộ Tài Nguyên và Môi Trường về báo cáo công tác bảo vệ môi trường;

h, Thông tư số 31/2016/TT- BTNMT ngày 14 tháng 10 năm 2016 của Bộ trưởng Bộ Tài Nguyên và Môi Trường về bảo vệ môi trường cụm công nghiệp, khu kinh doanh, dịch vụ tập trung, làng nghề và cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ;

i, Thông tư số 34/2017/TT- BTNMT ngày 04 tháng 10 năm 2017 của Bộ trưởng Bộ Tài Nguyên và Môi Trường quy định về thu hồi, xử lý sản phẩm thải bỏ;

k, Thông tư số 25/2019/TT-BTNMT ngày 31 tháng 12 năm 2019 của Bộ trưởng Bộ Tài Nguyên và Môi Trường quy định chi tiết thi hành một số điều của Nghị định số 40/2019/NĐ-CP ngày 13 tháng 5 năm 2019 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ môi trường và quy định quản lý hoạt động dịch vụ quan trắc môi trường.

4. Kể từ ngày thông tư này có hiệu lực thi hành mục 2.2.1 của QCVN 36:2010/BTNMT- Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về dung dịch khoan và mùn khoan thải từ các công trình dầu khí trên biển ban hành kèm theo thông tư số 42/2010/TT-BTNMT ngày 29 tháng 12 năm 2010 của Bộ trưởng Bộ Tài Nguyên và Môi Trường quy định quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường hết hiệu lực thi hành.

III. Nghị định số 45/2022/NĐ-CP ngày 07/07/2022 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường:

Ngày 7/7/2022, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 45/2022/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực BVMT, có hiệu lực thi hành từ ngày 25/8/2022. Việc Chính phủ ban hành Nghị định số 45/2021/NĐ-CP là hết sức kịp thời, nhằm đảm bảo có đầy đủ chế tài xử phạt vi phạm hành chính về BVMT đồng bộ với Luật BVMT năm 2020 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2020. Đây là căn cứ để các cơ quan có thẩm quyền xem xét xử lý vi phạm hành chính, nâng cao nhận thức của các tổ chức, cá nhân, tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực BVMT.

Nghị định có 4 Chương, 78 Điều và 1 Phụ lục, trong đó bổ sung nhiều quy định, bao gồm một số điểm mới như:

- Thứ nhất, Nghị định số 45/2022/NĐ-CP đã bổ sung đầy đủ chế tài cho các quy định mới tại Luật BVMT năm 2020 về các vi phạm quy định về thủ tục môi trường.

- Thứ hai, mức xử phạt tại Nghị định số 45/2022/NĐ-CP đã được điều chỉnh phù hợp với yêu cầu quản lý và thực tiễn áp dụng.

- Thứ ba, Nghị định đã quy định áp dụng biện pháp xử phạt bổ sung tước quyền sử dụng giấy phép môi trường đối với một số hành vi vi phạm nghiêm trọng, có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao. Việc tước quyền sử dụng giấy phép môi trường đồng nghĩa với việc tổ chức, cá nhân đó không đủ điều kiện để hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ.

- Thứ tư, Nghị định cũng bổ sung một số quy định để đảm bảo hiệu quả thực thi việc xử phạt vi phạm về BVMT trong thực tiễn.

- Thứ năm, một số hành vi chưa áp dụng xử phạt ngay, phụ thuộc vào lộ trình quy định tại Luật  BVMT năm 2020.

 - Thứ sáu, một số nội dung khác như: quy định xử phạt vi phạm hành chính về chất thải rắn công nghiệp thông thường; vi phạm các quy định về BVMT đối với chủ nguồn thải chất thải nguy hại; hoạt động vận chuyển, xử lý chất thải nguy hại…đã được cập nhật, bổ sung đầy đủ theo quy định pháp luật hiện hành; quy định xử phạt đối với các hành vi vi phạm liên quan đến công khai: báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được phê duyệt kết quả thẩm định, giấy phép môi trường, kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường, kết quả quan trắc chất thải của chủ dự án, cơ sở sản xuất, kinh doanh, khu sản xuất, kinh doanh tập trung, cụm công nghiệp trong việc cung cấp, công khai thông tin về môi trường./.

Hoàng Thị Hồng Nhung

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Đường dây nóng
hotline
Trưởng ban: 
Ông Phạm Ngọc Minh
0982.595.373
Phó Chánh VP: 
Ông Nguyễn Phước Đại
0903.535.945
Trưởng phòng QLĐTDN: 
Ông Nguyễn Văn Tuấn
0914.064.845
 

 

 

 

Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Quảng Trị
ĐC: 91 Lê Duẩn, TP Đông Hà, Quảng Trị 
ĐT: 0233.3859713 - Fax: 0233.3551729 - Email: bqlkkt@quangtri.gov.vn