Chi tiết bài viết - Ban quản lý khu kinh tế Tỉnh

Khu Kinh tế - Thương mại đặc biệt Lao Bảo trong hành trình 30 năm xây dựng và phát triển quê hương

16:17, Thứ Ba, 22-3-2022

Xuất phát từ lợi thế của khu vực, mối quan hệ hữu nghị đặc biệt giữa hai nước, chủ trương của hai Bộ Chính trị, hai Chính phủ Việt Nam và Lào trong việc lựa chọn và thiết lập một khu vực chung, cho phép áp dụng thí điểm những chính sách đặc thù, ngày 12/11/1998, Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định số 219/1998/QĐ-TTg ban hành Quy chế Khu vực khuyến khích phát triển kinh tế và thương mại Lao Bảo, tỉnh Quảng Trị (Khu thương mại Lao Bảo).Sau 05 năm hoạt động, để phù hợp với tình hình mới, ngày 12/01/2005, Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định số 11/2005/QĐ-TTg ban hành Quy chế Khu Kinh tế - Thương mại đặc biệt Lao Bảo (Khu KT-TM đặc biệt Lao Bảo).

Theo đó, Khu KT-TM đặc biệt Lao Bảo có tổng diện tích 15.804 ha, bao gồm 05 xã và 02 thị trấn dọc Đường 9 thuộc huyện miền núi Hướng Hóa, là mô hình kinh tế tổng hợp, vừa có đặc điểm tính chất như khu công nghiệp (KCN), khu chế xuất (KCX), khu kinh tế cửa khẩu (KKTCK) và là "khu phi thuế quan đặc biệt", được áp dụng cơ chế, chính sách thí điểm với mức ưu đãi cao nhất theo quy định hiện hành của luật pháp Việt Nam và các điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết hoặc tham gia.

Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh thăm và làm việc tại Khu KT-TM đặc biệt Lao Bảo

Về mô hình quản lý, tổ chức bộ máy: Căn cứ Quyết định số 219/1998/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính  phủ, ngày 15/12/1998, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 1528/QĐ-UB thành lập Ban Quản lý Khu Thương mại Lao Bảo. Đến năm 2005, sau khi Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 11/2005/QĐ-TTg ban hành Quy chế Khu Kinh tế - Thương mại đặc biệt Lao Bảo, Ban Quản lý Khu Kinh tế - Thương mại đặc biệt Lao Bảo được Thủ tướng Chính phủ thành lập theo Quyết định số 130/2005/QĐ-TTg ngày 02/6/2005 với dấu quốc huy để thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước trên các lĩnh vực tại địa bàn, chịu sự chỉ đạo, quản lý và giám sát của các Bộ ngành trung ương và Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh.

Trải qua gần 21 năm xây dựng và trưởng thành trong hành trình 30 lập lại tỉnh Quảng Trị (01/7/1989 – 01/7/2019), Khu KT-TM đặc biệt Lao Bảo đã đạt được các kết quả nổi bật như sau:
* Về quy hoạch
- Quy hoạch chung xây dựng toàn khu đến 2010 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 189/1999/QĐ-TTg ngày 20/9/1999. Ngày 07/4/2011, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 495/QĐ-TTg phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch trên đến năm 2025 để phù hợp với tình hình thực tế. Trên cơ sở đó, UBND tỉnh Quảng Trị đã có Quyết định phê duyệt Quy hoạch phát triển KT-XH đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025 và 22 Quy hoạch chi tiết cho các Khu tập trung đầu tư phát triển SXKD và các Trung tâm cụm xã, Khu dân cư trên tổng quy mô diện tích 3.520,57 ha.

- Quy hoạch Khu KT-TM đặc biệt Lao Bảo gắn với quy hoạch và đầu tư phát triển đô thị cửa khẩu: Ngày 09/7/2008, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 864/QĐ-TTg về quy hoạch xây dựng vùng biên giới Việt Nam - Lào đến năm 2020, với định hướng: Xây dựng Khu KT-TM đặc biệt Lao Bảo thành đô thị loại IV vào năm 2016, thành Thành phố nằm trong hệ thống đô thị động lực cấp I (đô thị loại III) vào năm 2020.
 

Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải và Đoàn công tác Bộ

ngành TW thị sát thực địa để thành lập Khu TM Lao Bảo

Về đầu tư xây dựng CSHT:
- Đến nay, khu vực đã thu hút khoảng 1.663 tỷ đồng đầu tư vào hệ thống kết cấu hạ tầng, trong đó:Vốn NSNN: Đã bố trí cho 135 dự án CSHT (131 dự án hoàn thành bàn giao sử dụng và 04 dự án đang thực hiện) với tổng số vốn là 863 tỷ đồng (NSTW là 820 tỷ đồng và NSĐP là 43 tỷ đồng); Vốn của doanh nghiệp, nhà đầu tư tham gia xã hội hóa đầu tư vào các công trình kết cấu hạ tầng: 500 tỷ đồng; Vốn ODA qua ADB và các tổ chức quốc tế khác: 200 tỷ đồng; Vốn cấp phát đầu tư CSHT cho huyện Hướng Hóa: 100 tỷ đồng.

Đã tạo lập được hệ thống CSHT khá đồng bộ tại khu vực, gồm: Hệ thống đường giao thông, cấp điện, cấp nước, thoát nước mặt; Hệ thống CSHT xã hội gồm:  trường học, bệnh viện, sân vận động, nhà thi đấu, nhà văn hóa cộng đồng, đài phát thanh truyền hình, công viên, khu tái định cư; Hệ thống CSHT dịch vụ công cộng gồm: bưu điện, khách sạn, nhà hàng, Trung tâm thương mại, siêu thị, chợ, shop...đã lần lượt được đầu tư xây dựng, đưa vào khai thác sử dụng, thiết thực đáp ứng nhu cầu SXKD của doanh nghiệp, nhà đầu tư và đời sống dân sinh tại khu vực.

* Về hoạt động quảng bá, xúc tiến đầu tư: Hoạt động quảng bá xúc tiến đầu tư đã được quan tâm, tạo ra hiệu ứng trong thu hút đầu tư và hội nhập phát triển, cụ thể:

- Đã xây dựng được nguồn tài liệu, dữ liệu như: Website, catalogue, đĩa CD, phim tài liệu, phóng sự quảng bá hình ảnh khu vực đến với nhiều đối tượng.

- Tiếp và làm việc với hàng trăm đoàn khách trong và ngoài nước  là cơ quan nghiên cứu cơ chế chính sách, xúc tiến quảng bá đầu tư, doanh nghiệp, nhà đầu tư với hàng ngàn lượt khách đến với Khu KT-TM đặc biệt Lao Bảo, EWEC và mô hình kiểm tra “Một cửa, một lần dừng” tại cửa khẩu Lao Bảo – Densavanh.
 

Trung tâm Thương mại Lao Bảo - công trình tiêu biểu về CSHT và dịch vụ công cộng
tại Khu Kinh tế - Thương mại đặc biệt Lao Bảo

- Đã tổ chức tổng kết nhân kỷ niệm 10 năm, 15 năm và 20 năm thành lập Khu KT-TM đặc biệt Lao Bảo. Qua đó đã đúc rút nhiều bài học kinh nghiệm, đề xuất bổ sung sửa đổi một số cơ chế, chính sách mang tính thực tiễn áp dụng cho khu vực. Đồng thời, đây cũng là đợt quảng bá “tại chỗ”, là dịp để hội ngộ, tri ân mang ý nghĩa thiết thực.

-  Tổ chức và tham gia vào hoạt động tại các cuộc hội nghị, hội thảo, hội chợ trên địa bàn tỉnh, ở trong và ngoài nước. Tham gia vào các hoạt động trong chương trình lễ hội Nhịp cầu xuyên Á” Quảng Trị các năm 2004, 2007,  2011; Chương trình lễ kỷ niệm 40 và 45 năm, 50 năm chiến thắng Khe Sanh, giải phóng huyện Hướng Hóa. Tham gia vào Hội thảo tại Bangkok – Thái Lan  với chủ đề "Khu kinh tế thương mại đặc biệt Lao Bảo, Khu kinh tế đặc biệt Sa Vẳn – Sê Nô và Khu kinh tế đặc biệt Mukdahan: 03 tỉnh, 03 nước và cơ hội kết nối thương mại toàn cầu" trong tháng 7/2018.

*  Về dân cư và lao động:  Dân số toàn Khu KT-TM đặc biệt Lao Bảo khi mới thành lập có 29.000 người, đến nay có khoảng 45.000 người, gồm người Kinh và đồng bào các dân tộc Pakô, Vân Kiều cùng chung sống và thụ hưởng cơ chế chính sách ưu đãi của Nhà nước áp dụng cho địa phương và khu vực. Lao động làm việc trong các doanh nghiệp, dự án đầu tư trên địa bàn: Năm 1998 có khoảng 300 người, năm 2005 có 1.000 người, năm 2013 có khoảng 3.500, năm 2018 có khoảng 2.540 người.

* Về thu hút đầu tư, phát triển SXKD: Khi mới thành lập (năm 1998), có 12 doanh nghiệp. Đến nay, đã có hơn 400 doanh nghiệp đăng ký hoạt động tại địa bàn. Đến nay có 63 dự án đăng ký đầu tư, với tổng số vốn đầu tư đăng ký là 3.720 tỷ đồng, diện tích đất thuê là 1.756 ha, trong đó: Có 50 dự án đã đi vào hoạt động với tổng số vốn đầu tư là 3.384 tỷ đồng, diện tích thuê đất gần 1.742 ha; 10 dự án đang triển khai xây dựng với số vốn đầu tư  336 tỷ đồng và diện tích thuê đất là 14ha. Trong 63 dự án trên có 05 dự án FDI với tổng vốn đang ký là: 22,6 triệu USD (02 dự án đầu tư của Thái Lan, 01 dự án của Trung quốc và 02 dự án của Úc).  Khi mới thành lập có 1.000 hộ kinh doanh cá thể đăng ký hoạt động, đến nay, có khoảng 4.000  hộ kinh doanh cá thể hoạt động.

- Hoạt động thương mại dịch vụ tại khu vực có sự diễn biến tăng, giảm qua từng giai đoạn gắn với tình hình thực tiễn: Trong thời kỳ 1998- 2005 tình hình XNK, XNC trên địa bàn và qua cửa khẩu Lao Bảo bắt đầu có sự tăng trưởng. Thời kỳ 2006 - 2013 là thời kỳ hoạt động thương mại dịch vụ đạt đỉnh cao, với tổng kim ngạch XNK qua cửa khẩu Lao Bảo tăng gấp 3,5 lần giai đoạn 2001-2005. Tuy nhiên, trong thời kỳ 2014 – 2018 do các chính sách ưu đãi giảm dần so với trước đây nên kim ngạch XNK qua cửa khẩu Lao Bảo giảm rõ dệt:  Năm 2014 đạt 398 triệu USD; Năm 2015 đạt 181 triệu USD; Năm 2016 đạt 137 triệu USD; Năm 2017 đạt 180 triệu USD và năm 2018 ước đạt 280 triệu USD.

- Khi mới hình thành, hầu như chưa có một cơ sở sản xuất công nghiệp nào, giá trị sản xuất công nghiệp (GTSXCN) không đáng kể. Hiện nay đã có hàng chục nhà máy xí nghiệp đầu tư đưa vào hoạt động trên nhiều lĩnh vực: sản xuất nước tăng lực; sản xuất săm lốp xe đạp, xe máy; sản xuất vật liệu xây dựng; chế biến nông sản xuất khẩu…Tổng GTSXCN của các doanh nghiệp trên địa bàn năm 2005 mới chỉ 208 tỷ đồng,  năm 2008 đạt 942 tỷ đồng, năm 2012 đạt 1.500 tỷ đồng, 2015 đạt 1.920 tỷ đồng, năm 2018 đạt gần 2.000 tỷ đồng (tăng 100 lần so với năm 2005).

Nhà máy sản xuất nước tăng lực Superhorse và Nhà máy sản xuất săm, lốp xe máy, xe đạp Camel

là 02 dự án đầu tư FDI đến từ Thái Lan đang SXKD có hiệu quả trên địa bàn

- Tổng thu ngân sách trong 20 năm đạt khoảng 3.859 tỷ đồng, trong đó: Từ năm 1998 – 2013 đạt 2.596 tỷ đồng và từ 2014 – 2018 đạt 1.263 tỷ đồng (năm 2014 đạt 643 tỷ, năm 2015 đạt 300 tỷ, năm 2016 đạt 73 tỷ, năm 2017 đạt 107 tỷ và năm 2018 đạt 180 tỷ đồng).

* Những ảnh hưởng tác động của Khu KT-TM đặc biệt Lao Bảo đối với địa phương và khu vực:

- Cùng với việc đầu tư xây dựng CSHT và thu hút đầu tư phát triển SXKD, tốc độ đô thị hóa khu vực đã được đẩy nhanh. Có thể nói chưa có một khu vực nào nằm ở miền núi của Miền Trung Việt Nam lại có tốc độ phát triển đô thị nhanh đến vậy. Đô thị hình thành và phát triển đã góp phần làm cho tình hình KT-XH và đời sóng dân sinh được tăng cao: Tốc độ phát triển về kinh tế của huyện tăng từ 7% năm 1997 lên 12% năm 2001, 15% năm 2006 và trên 17% năm 2008; Từ năm 2010 đến năm 2017  bình quân đạt 9%/năm;  Thu nhập bình quân đầu người  tại khu vực: năm 1999 đạt 5,7 triệu đồng; năm 2014 là 18,8 triệu; năm 2015 là 20,6 triệu; năm 2016 là 31,6 triệu; năm 2017 là 32,3 triệu; năm 2018 ước đạt là 31 triệu đồng/người.

- Các chỉ tiêu phát triển về KT-XH nói trên đã giúp địa phương huyện Hướng Hóa hội đủ điều kiện là huyện miền núi kiểu mẫu, được Nhà nước trao tặng Huân chương Lao động hạng Ba và danh hiệu Đơn vị Anh hùng trong thời kỳ đổi mới nhân kỷ niệm 40 năm ngày giải phóng Khe Sanh (1968 – 2008).

- Khu KT-TM đặc biệt Lao Bảo nằm tại vị trí điểm đầu của Việt Nam trên tuyến hành lang Kinh tế Đông Tây (EWEC), là “vùng động lực của tuyến động lực” của tỉnh Quảng Trị về phía Tây nên song song với quá trình xây dựng khu vực này, tỉnh Quảng Trị đã có điều kiện để hình thành nên Khu CN Nam Đông Hà, Khu CN Quán Ngang, Khu CN Tây Bắc Hồ Xá và gần đây đã khởi động Khu kinh tế Đông Nam. Bên cạnh đó, tỉnh cũng đã quan tâm đầu tư xây dựng CSHT, cơ sở vật chất kỹ thuật, hình thành nên chuỗi đô thị dọc theo EWEC, đảm nhận và phát huy vai trò trung chuyển, trở thành "đầu vào" và cũng là "đầu ra" của các khu kinh tế của các nước trên EWEC. Đồng thời, sự vận hành của Khu KT-TM đặc biệt Lao Bảo trong mối quan hệ với Khu thương mại biên giới Đensavan suốt gần 21 năm qua cũng đã góp phần làm cho quan hệ hữu nghị giữa 2 tỉnh Quảng Trị - Savanakhet và 2 nước Việt Nam và Lào ngày càng được cũng cố, thắt chặt.

* Một số khó khăn, hạn chế và nguyên nhân:

- Do địa bàn miền núi nên công tác lập, triển khai quy hoạch, quản lý quy hoạch, đầu tư hạ tầng hoạch có những khó khăn nhất định so với vùng đồng bằng. Đồng thời, do thiếu vốn đầu tư nên một số quy hoạch chi tiết đã phê duyệt nhưng đến nay vẫn trong tình trạng “quy hoạch treo”, một số dự án đầu tư phải đình hoãn hoặc dãn tiến độ, chưa đáp ứng kịp thời nhu cầu của doanh nghiệp, nhà đầu tư và cư dân vùng dự án.

- Từ năm 2014 đến nay, do có sự điều chỉnh về cơ chế, chính sách theo hướng cắt giảm dần theo các Văn bản quy phạm pháp luật đã tạo ra những khó khăn về cơ chế, chính sách cho khu vực, gây ảnh hưởng lớn đến hoạt động đầu tư xây dựng CSHT, thu hút các dự án đầu tư, phát triển SXKD của doanh nghiệp, hộ kinh doanh, nhà đầu tư trên địa bàn.

- Ngoài ảnh hưởng của việc cắt giảm cơ chế chính sách của Việt Nam, vừa qua Khu KT-TM đặc biệt Lao Bảo cũng chịu ảnh hưởng của sự thay đổi cơ chế chính sách của bạn Lào cộng thêm sự suy thoái chung của khu vực đã làm giảm nhiều khả năng thu hút đầu tư vào địa bàn, nhiều dự án đầu tư phải chuyển nhượng hoặc chuyển mục tiêu đầu tư, SXKD. Nhiều doanh nghiệp, chủ đầu tư, hộ kinh doanh gặp rất nhiều khó khăn, nhất là các đối tượng kinh doanh về lĩnh vực thương mại, dịch vụ.

Nhằm phát huy những kết quả đạt được, khắc phục những khó khăn tồn tại như đã nêu, để duy trì và phát triển khu vực này trong thời gian tới cần triển khai thực hiện một số phương hướng, nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm, cụ thể như sau:

1. Về công tác quy hoạch:

- Tiếp tục thực hiện tốt hệ thống các quy hoạch đã được phê duyệt. Đồng thời,  xem xét việc lập quy hoạch chi tiết phân khu chức năng phía Đông Bắc thị trấn Lao Bảo (360 ha) để có cơ sở lập dự án đầu tư xây dựng CSHT, thu hút các dự án đầu tư có nhu cầu quỹ đất lớn, sản xuất nông  nhiệp công nghệ cao.

- Nghiên cứu điều chỉnh Quy hoạch chung xây dụng và Quy hoạch phát triển KT-XH phù hợp với định hướng phát triển khu KT-TM đặc biệt Lao Bảo và Khu thương mại biên giới Densavanh thành Khu kinh tế xuyên biên giới Lao Bảo – Densavanh và xu thế hội nhập khu vực, trong nước và quốc tế.

2. Về  đầu tư cơ sở hạ tầng:

- Tiếp tục huy động tối đã các nguồn lực để xây dựng hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội một cách đồng bộ, phục vụ thu hút đầu tư và đầu tư, đời sống dân sinh. Đồng thời, huy động nguồn vốn xã hội hóa đầu tư xây dựng CSHT để giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nươc, tạo điều kiện chủ động phát triển về lâu dài.

- Đề xuất ADB tiếp tục hỗ trợ kinh phí trong việc nâng cấp Quốc lộ 9 giai đoạn 3 với việc tạo thêm 02 làn đường để các loại phương tiện tham gia giao thông được thuận lợi. Đồng thời, xem xét việc phối hợp với JICA tài trợ vốn để xây dựng tuyến đường sắt Đông Hà – Lao Bảo kết nối với tuyến đường sắt Densavanh -  Savanakhet – Viên Chăn phía bạn Lào, hình thành tuyến đường sắt song song với quốc lộ trên EWEC.

3. Về thu hút đầu tư, phát triển sản xuất kinh doanh:

- Tận dụng và khai thác triệt để lợi thế về vị trí địa lý thuận lợi là nằm trên EWEC, có cửa khẩu quốc tế Lao Bảo, là cửa khẩu gắn với trục đường ngắn nhất, thuận lợi nhất đảm bảo giao thông liên tục từ nội địa Việt Nam đến Savannakhet, Mụcđahán với khoảng 240km, có thể đi lại thuận lợi kể cả trong mùa mưa để mở rộng giao lưu hàng hóa, xuất nhập khẩu, hoạt động du lịch, dịch vụ các nước khác trong khu vực;

- Tiến hành tổng kết mô hình kiểm tra "Một cửa, một lần dừng" tại cặp cửa khẩu quốc tế Lao Bảo – Densavanh gắn với cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường thông thoáng để thu hút hàng hóa xuất nhập khẩu, người và phương tiện xuất nhập cảnh, tham quan, du lịch qua cửa khẩu Quốc tế Lao Bảo.

- Tận dụng điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng khá thuận lợi để phát triển nông lâm sản như, gỗ rừng trồng, cà phê, cao su, tiêu, chuối, sắn, mắc ca..; Phát triển dịch vụ logistic, xây dựng khu vực trở thành trung tâm tập kết, trung chuyển hàng hóa Việt Nam xuất khẩu và nhập khẩu hàng hóa của các nước trên tuyến EWEC.

4. Về cơ chế, chính sách:

- Trước mắt, quan tâm thực hiện quy định về Điều khoản chuyển tiếp của Quyết định số 01/2018/QĐ-TTg ngày 16/01/2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc bãi bỏ Quyết định số 72/2013/QĐ-TTg ngày 26/11/2013 quy định cơ chế, chính sách tài chính đối với Khu KTCK qua việc  tham mưu cho UBND tỉnh phối hợp với các Bộ, ngành liên quan nghiên cứu, hướng dẫn, áp dụng để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư đã có dự án đăng ký đầu tư vào khu vực.

- Về lâu dài,  cần tham mưu cho UBND tỉnh phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư sớm khởi động việc xây dựng đề án Khu kinh tế xuyên biên giới chung Lao Bảo – Densavanh.  Trong đó, cần lưu ý việc xây dựng, vận dụng một số chính sách ưu đãi đặc thù, nổi trội về: Địa bàn đầu tư; Vốn  đầu tư (cả về NSNN cũng như hỗ trợ từ nguồn ODA) cho các công trình trọng điểm giai đoạn 2020 - 2030; Được miễn, giảm các loại thuế như đối với loại hình khu phi thuế quan; Được miễn kiểm dịch (động vật, thực vật, y tế) đối với hàng nông sản qua lại hai khu kinh tế (trừ trường hợp có phát hiện dấu hiệu vi phạm được cơ quan có thẩm quyền thông báo trước); Khách du lịch nước ngoài được mua hàng miễn thuế tại các cửa hàng miễn thuế với giá trị hàng hóa 300 USD/người/lượt; Thời gian cho thuê đất thực hiện dự án là từ 50 – 70 năm, sau đó nhà đầu tư có quyền đăng ký thuê lại với khung thời gian thỏa thuận.

21 năm hình thành và phát triển Khu KT-TM đặc biệt Lao Bảo trong chặng đường 30 năm tái lập tỉnh Quảng Trị từ tỉnh Bình Trị Thiên cũ, hôm nay nhìn lại chợt nhận ra cảnh sắc, con người đã có nhiều đổi thay. Cách đây gần 21 năm, những ai đã từng đến với Lao Bảo, nay trở lại, chắc không khỏi ngỡ ngàng trước sự biến đổi của mảnh đất này. Nơi đây từng được mệnh danh là “chốn rừng thiêng nước độc” thời Pháp thuộc, là chiến trường bỏng rát thời chống Mỹ, là vùng có “hoàn cảnh kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn” của thời kỳ đầu trong công cuộc đổi mới… đã và đang trở thành một đô thị mới, biến dự cảm lãng mạn của nhà thơ Ngô Kha Vì ta phải thấy và nhất định thấy
Ngày kia
Một đô thị vàng trên đồi Lao Bảo
Một thị trấn yêu kiều qua ngã Làng Vây

thành hiện thực.

Vâng, có được hiện thực nói trên, nguyên nhân chủ yếu là nhờ chủ trương đúng đắn của Đảng và nhà nước trong chiến lược hợp tác phát triển Kinh tế – Văn hóa – Khoa học kỹ thuật, đảm bảo ANQP của hai đất nước và phát huy lợi thế của EWEC. Đồng thời, đây cũng là kết quả của sự quan tâm từ Chính phủ, các bộ ngành Trung ương, sự nỗ lực phấn đấu không ngừng của các cấp ngành,chính quyền địa phương, các tầng lớp nhân dân, các nhà đầu tư, doanh nghiệp trên địa bàn. Trong số đó đặc biệt phải kể đến sự tâm huyết, nhiệt tình của lãnh đạo, cán bộ công chức, viên chức, người lao động qua các thời kỳ của tỉnh, các ngành, địa phương và BQL khu kinh tế tỉnh.

Trong bối cảnh nhân dân Quảng Trị đang nao nức đón chào Lễ kỷ niệm 30 năm tái lập tỉnh, chúng ta không thể không nhắc đến những đồng chí từng đóng vai trò là “kiến trúc sự”, là “thuyền trưởng” của khu vực như: Đ/c Đinh Tấn Vĩnh, nguyên Trưởng BQL Khu thương mại Lao Bảo, người đã dẫn đầu cùng 13 cán bộ, nhân viên lên "khai khẩn", đặt những viên gạch đầu tiên cho nền móng khu vực, nhưng nay đã qua đời; Đ/c Lê Hữu Thăng - Nguyên Phó chủ tịch UBND tỉnh kiêm Trưởng BQL Khu kinh tế tỉnh, các đ/c Hà Sỹ Đồng và Nguyễn Quân Chính – Nguyên Trưởng BQL Khu kinh tế tỉnh nay đều là Phó Chủ tịch UBND tỉnh. Đây là những cán bộ lãnh đạo đã gắn bó, tâm huyết, từng "lao tâm khổ tứ", đóng góp vào sự thành công của mô hình Khu KT-TM đặc biệt Lao Bảo khi đang trực tiếp đương nhiệm và hiện vẫn băn khoăn, trăn trở dõi theo tình hình khu vực, vẫn quan tâm nhắc nhở,  động viên hoặc trực tiếp chỉ đạo các cán bộ kế tục tìm cách tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, nhà đầu tư trên địa bàn.

21 năm đã qua, gần một phần ba cuộc đời mỗi con người, trong đó có những cán bộ, công chức, viên chức BQL Khu kinh tế tỉnh phải tạm rời xa mái ấm gia đình tại vùng thành phố, đồng bằng để lên công tác, sinh hoạt tại môi trường có hoàn cảnh KT-XH đặc biệt khó khăn, đã cống hiến hy sinh phần tuổi thanh xuân sôi nổi, tinh túy nhất của mình để nghiên cứu, tham mưu, đấu tranh cho sự tồn tại và phát triển của khu vực. 

Đại diện lãnh đạo, cán bộ công chức, viên chức BQL Khu kinh tế tỉnh qua các thời kỳ

Tại Hội nghị tổng kết 20 năm Khu KT-TM đặc biệt Lao Bảo, tỉnh Quảng Trị

Từ môi trường ấy, có những cán bộ giữ các chức danh Trưởng, Phó phòng ban tại BQL Khu KT-TM đặc biệt Lao Bảo, nay đã thành danh là cấp trưởng, cấp phó tại các Sở, Ban, Ngành cấp tỉnh. Tre già măng mọc, dẫu còn có những khó khăn, nhưng tiếp bước các bác, các chú, các anh chị đi trước, hiện nay có một lớp cán bộ viên chức trẻ của Trung tâm quản lý cửa khẩu, Trung tâm quản lý và khai thác CSHT thuộc BQL Khu kinh tế tỉnh đang có mặt tại Khu KT-TM đặc biệt Lao Bảo và cửa khẩu quốc tế Lao Bảo để tiếp bước đảm trách việc duy trì và phát triển thành quả của 20 năm mà các thế hệ đi trước đã để lại.

21 năm Khu KT-TM đặc biệt Lao Bảo cùng với hành trình 30 năm của tỉnh, với đầy ắp kỷ niệm của một thời đáng nhớ, dẫu điều kiện hoàn cảnh nay đã có những đổi thay, nhưng các thế hệ cán bộ công chức, viên chức đã nghỉ hưu hoặc đang công tác thuộc BQL Khu kinh tế tỉnh qua các thời kỳ có quyền tự hào vì đã được Đảng, Nhà nước và nhân dân trao cho cơ hội đóng góp, công hiến cho sự hình thành, phát triển Khu KT-TM đặc biệt Lao Bảo, cũng là một phần đóng góp cho quê hương Quảng Trị thân yêu. Qua bài viết này, cho phép tập thể lãnh đạo BQL Khu kinh tế tỉnh, cán bộ công chức, viên chức thuộc Ban qua các thời kỳ chân thành cảm ơn sự quan tâm của Chính phủ, các Bộ ngành Trung ương, lãnh đạo tỉnh, các ngành, địa phương, doanh nghiệp, nhà đầu tư, hộ kinh doanh trên địa bàn đã quan tâm, ủng hộ, đồng hành trong suốt thời gian qua. Tập thể lãnh đạo Ban xin hứa sẽ tiếp tục đoàn kết, đồng hành với các ngành, địa phương, đặc biệt là các doanh nghiệp, nhà đầu tư, hộ kinh doanh nhằm khắc phục vượt qua những khó khăn vướng mắc hiện nay, triển khai có kết quả các định hướng và giải pháp phát triển khu vực trong thời gian tới, phù hợp với bối cảnh tình hình mới./.
 

Tác giả bài viết: Nguyễn Văn Giang

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Đường dây nóng
hotline
Trưởng ban: 
Ông Phạm Ngọc Minh
0982.595.373
Phó Chánh VP: 
Ông Nguyễn Phước Đại
0903.535.945
Trưởng phòng QLĐTDN: 
Ông Nguyễn Văn Tuấn
0914.064.845
 

 

 

 

Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Quảng Trị
ĐC: 91 Lê Duẩn, TP Đông Hà, Quảng Trị 
ĐT: 0233.3859713 - Fax: 0233.3551729 - Email: bqlkkt@quangtri.gov.vn