Chi tiết bài viết - Ban quản lý khu kinh tế Tỉnh

Phát triển giai cấp công nhân cả về số lượng và chất lượng; nâng cao bản lĩnh chính trị, trình độ học vấn, chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp, tác phong công nghiệp, kỷ luật lao động thích ứng với cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư

11:24, Thứ Ba, 22-3-2022

I. Về vị trí, vai trò của giai cấp công nhân:

Theo Karl Marx: Giai cấp công nhân là giai cấp của những người công nhân và người lao động phải bán sức lao động để đổi lấy tiền lương và họ không phải là chủ sở hữu của phương tiện sản xuất. Giai cấp công nhân là giai cấp tạo ra các giá trị thặng dư và sự giàu có cho xã hội. Ngày nay, đây là giai cấp lao động sản xuất ra của cải vật chất trong lĩnh vực công nghiệp với trình độ kỹ thuật và công nghệ ngày càng hiện đại. Sản phẩm thặng dư do họ làm ra là nguồn gốc chủ yếu cho sự giàu có và phát triển xã hội.

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh: Giai cấp công nhân Việt Nam là cơ sở chính trị - xã hội của Đảng và Nhà nước, là lực lượng nòng cốt trong khối liên minh công - nông - trí thức và khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Tư tưởng Hồ Chí Minh về giai cấp công nhân Việt Nam chính là ngọn cờ lý luận chỉ đạo toàn diện sự nghiệp xây dựng và phát triển giai cấp công nhân Việt Nam, để họ “hoàn thành nhiệm vụ Đảng và Chính phủ giao cho để xứng đáng là người làm chủ, là một bộ phận trong gia đình xã hội chủ nghĩa”. Đây chính là kim chỉ nam cho sự nghiệp xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Nhà máy may xuất khẩu Hòa Thọ Đông Hà tại Khu công nghiệp Nam Đông Hà,
với số lượng hơn 2.000 công nhân lao động

Giai cấp công nhân Việt Nam có vai trò, địa vị vô cùng quan trọng, được xác lập, thừa nhận và quy định tại Hiến pháp nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 và Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam thông qua ngày 19/01/2011.

II. Về phát triển giai cấp công nhân cả về số lượng và chất lượng:

Đại hội lần thứ XI của Đảng đã thông qua nhiều nội dung quan trọng trong đó có chiến lược xây dựng và phát triển giai cấp công nhân Việt Nam trong thời kỳ mới, trong đó khẳng định: “Quan tâm giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng, phát triển giai cấp công nhân cả về số lượng và chất lượng; nâng cao bản lĩnh chính trị, trình độ học vấn, chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp, tác phong công nghiệp, kỷ luật lao động, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế. Phát huy vai trò của giai cấp công nhân là giai cấp lãnh đạo cách mạng, thông qua đội tiên phong là Đảng Cộng sản Việt Nam”.

Quan điểm trên đây của Đảng Cộng sản Việt Nam trong Đại hội XI không chỉ là sự tiếp tục kiên trì khẳng định các quan điểm của các kỳ Đại hội, các Hội nghị Trung ương trước đó, đặc biệt là Nghị quyết số 20-NQ/TW của Hội nghị lần thứ 6 Ban chấp hành Trung ương khóa X về “Tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”, mà còn thể hiện của tư duy mới, sách lược mới trong xây dựng và phát triển giai cấp công nhân Việt Nam trong điều kiện mới. Tuy nhiên, nhìn từ thực trạng phát triển giai cấp công nhân Việt Nam những năm vừa qua cho thấy bên cạnh những thành tựu nhất định thì cũng còn bộc lộ rất nhiều hạn chế, trong đó nhìn tổng quát về số lượng, chất lượng đội ngũ còn chưa ngang tầm với vai trò là lực lượng đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, là giai cấp đóng vai trò lãnh đạo cách mạng Việt Nam như chúng ta kỳ vọng.

Thực trạng giai cấp công nhân Việt Nam hiện nay

Về số lượng, chất lượng và cơ cấu

Sau gần 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới, giai cấp công nhân nước ta có sự phát triển rất nhanh cả về số lượng và chất lượng, đa dạng về cơ cấu, lĩnh vực, ngành nghề; vị trí và vai trò của giai cấp công nhân càng ngày được khẳng định. Hàng năm đóng góp của giai cấp công nhân Việt Nam lên tới 60% tổng sản phẩm trong nước và 70% ngân sách nhà nước. Công nhân trong doanh nghiệp ngoài nhà nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài phát triển nhanh, ngược lại, công nhân trong doanh nghiệp nhà nước ngày càng giảm về số lượng. Về trình độ học vấn và trình độ chuyên môn nghề nghiệp, có khoảng 70% tổng số công nhân có trình độ trung học phổ thông, 27% có trình độ trung học cơ sở và 3% có trình độ tiểu học. Công nhân có trình độ trung cấp chiếm 18%, trình độ cao đẳng chiếm 7%, trình độ đại học chiếm 17%; công nhân được đào tạo, đào tạo lại tại doanh nghiệp chiếm 48%.

Tuy vậy, trước yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng hiện nay, giai cấp công nhân nước ta còn nhiều hạn chế, yếu kém. “Sự phát triển của giai cấp công nhân chưa đáp ứng được yêu cầu về số lượng, cơ cấu và trình độ học vấn, chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập kinh tế quốc tế; thiếu nghiêm trọng các chuyên gia kỹ thuật, cán bộ quản lý giỏi, công nhân lành nghề; tác phong công nghiệp và kỷ luật lao động còn nhiều hạn chế; đa phần công nhân từ nông dân, chưa được đào tạo cơ bản và có hệ thống”.

Trình độ văn hóa và tay nghề của công nhân thấp đã ảnh hưởng không tốt đến việc tiếp thu khoa học - kỹ thuật, đến năng suất lao động, chất lượng sản phẩm. Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới về chất lượng lao động được tính theo thang điểm 10, thì chất lượng lao động Việt Nam chỉ đạt 3,79 điểm, xếp thứ 11/12 nước Châu Á tham gia xếp hạng của WB. Trong khi đó, Hàn Quốc đạt 6,91 điểm, Ấn Độ là 5,76 điểm, Malaysia là 5,59 điểm, Thái Lan 4,94 điểm... Còn theo kết quả khảo sát của Tổ chức Lao động quốc tế, năng suất lao động của công nhân Việt Nam thuộc vào nhóm thấp nhất của khu vực, chỉ bằng 1/5 Malaysia, 2/5 Thái Lan, 1/15 Singapore, 1/11 Nhật Bản, 1/10 Hàn Quốc. Trong số các nước ASEAN, năng suất lao động của công nhân Việt Nam chỉ cao hơn Campuchia và Lào.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, với tốc độ tăng năng suất lao động như hiện nay, thì phải đến năm 2038 năng suất lao động của công nhân Việt Nam mới bắt kịp Philippines, năm 2069 chúng ta mới bắt kịp được Thái Lan, do đó, chúng ta cần có đối sách để nâng cao chất lượng nhân lực, góp phần nâng cao năng suất lao động trong quá trình cạnh tranh thời hội nhập.

Nguồn lực lao động qua đào tạo của nước ta vừa thiếu lại vừa thừa, hệ quả là tỷ lệ thất nghiệp của những người đã qua đào tạo ngày càng cao. Trong số gần 11 triệu người lao động đã qua đào tạo có chứng chỉ, văn bằng hiện nay, thì trình độ đại học trở lên có 4,5 triệu người (chiếm 41%), trình độ cao đẳng có 1,6 triệu người (chiếm 15%), trình độ trung cấp 2,9 triệu người (chiếm 27,11%), trình độ sơ cấp có 1,8 triệu người (chiếm 16,4%). Theo đó, trình độ đại học/cao đẳng/trung cấp/sơ cấp tương ứng theo tỷ lệ: 1/0,35/0,65/0,4. Điều này cảnh báo về sự mất cân đối trong cơ cấu lao động qua đào tạo giữa các bậc ở nước ta.

Trong điều kiện thế giới đã bước vào thời kỳ phát triển kinh tế tri thức, sản phẩm lao động được tạo ra với hàm lượng chất xám ngày càng cao, tính cạnh tranh trong quá trình tham gia vào chuỗi sản xuất giá trị toàn cầu ngày càng được đẩy mạnh, thì vai trò của nguồn nhân lực, mà trực tiếp là người công nhân lao động sẽ đóng vai trò quyết định. Trong thời gian tới, khi chúng ta thực hiện đầy đủ các cam kết của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), các Hiệp định Thương mại tự do thế hệ mới, đặc biệt Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), những rào cản về không gian kinh tế, hàng hóa, dịch vụ, vốn, khoa học công nghệ, thị trường lao động được gỡ bỏ, thì sự cạnh tranh giữa các nước càng trở nên gay gắt. Hiện ASEAN đã có Hiệp định về di chuyển tự nhiên nhân lực, có thỏa thuận công nhận lẫn nhau về chứng chỉ hành nghề của cơ quan chính thức đối với 8 ngành nghề được tự do chuyển dịch. Việc công nhận trình độ lẫn nhau về kỹ năng nghề sẽ là một trong những điều kiện rất quan trọng trong việc thực hiện dịch chuyển lao động giữa Việt Nam với các nước trong khu vực.

Nhưng trình độ phát triển không đồng đều dẫn đến việc lao động có tay nghề chủ yếu di chuyển vào thị trường Singapore, Malaysia và Thái Lan. Những lao động được chứng nhận về trình độ, kỹ năng sẽ được di chuyển tự do hơn. Đây sẽ là thách thức cho Việt Nam, vì số lượng công nhân lành nghề ở nước ta còn khiêm tốn, buộc phải chấp nhận nguồn lao động di cư đến từ các nước khác có trình độ cao hơn.

Về ý thức chính trị, đạo đức, kỷ luật và tác phong lao động:

Hiện nay, tâm lý, thói quen và tác phong lao động gắn liền với nền sản xuất nhỏ còn in đậm trong một bộ phận giai cấp công nhân nước ta. Hơn nữa, trong quá trình phát triển, giai cấp công nhân thường xuyên tiếp nhận những thành phần mới, phần lớn là từ nông dân, họ còn trẻ tuổi đời, ý thức lập trường giai cấp còn hạn chế. Vì vậy, “Công nhân nước ta không đồng đều về nhận thức xã hội, giác ngộ giai cấp, bản lĩnh chính trị, ý thức tổ chức và kỷ luật lao động”.

Dưới tác động của hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, giai cấp công nhân nước ta đã năng động hơn, chủ động hơn, cố gắng nâng cao năng lực, hướng tới hiệu quả công việc ngày càng cao hơn. Nhưng mặt khác, một bộ phận công nhân nước ta bị phai nhạt giá trị đạo đức truyền thống, xa rời lý tưởng cách mạng.

Điều này gây ảnh hưởng đến doanh nghiệp và hình ảnh người công nhân Việt Nam trong quá trình hội nhập quốc tế. Nhiều công nhân coi công việc tại nhà máy, xí nghiệp như là một cách mưu sinh, chứ chưa phải là một nghề nghiệp; không ý thức được vị trí và vai trò của giai cấp mình. Qua khảo sát, chỉ có 23,5% tự hào là công nhân; 54,4% bằng lòng với vị trí hiện tại; 4,5% cảm thấy thân phận làm thuê bị coi rẻ; 9% chẳng thích thú gì với thân phận của mình.

Hầu hết công nhân không nhận mình thuộc giai cấp lãnh đạo xã hội, họ chỉ nhận mình là những người làm công ăn lương, cố gắng làm tốt công việc để tăng thêm thu nhập nhằm cải thiện cuộc sống.

Không ít công nhân làm việc trong các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài có tâm lý làm thuê, một bộ phận công nhân chưa thiết tha phấn đấu vào Đảng và tham gia hoạt động trong các tổ chức chính trị - xã hội.

Giải pháp phát triển giai cấp công nhân Việt Nam

Từ thực trạng trên, để phát triển giai cấp công nhân Việt Nam cả về số lượng và chất lượng, cần phải thực hiện những giải pháp cơ bản sau:

Một là, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế gắn với phát triển kinh tế tri thức theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Trước hết, cần chú trọng ưu tiên phát triển những ngành nghề sử dụng nhiều lao động để giải quyết việc làm, phát huy lợi thế cạnh tranh quốc gia về nguồn lực lao động, góp phần chuyển dịch nhanh cơ cấu lao động. Đây được xem là điều kiện để sử dụng nguồn lực lao động ở mọi trình độ, phân bố hợp lý lao động giữa các vùng miền, thành phần, ngành nghề kinh tế.

Lễ phát động "Tháng công nhân" được tổ chức vào tháng 5 hàng năm

Hai là, chú trọng phát triển đội ngũ công nhân trong thành phần kinh tế nhà nước. Quá trình đổi mới và hội nhập đã tác động đến sự biến đổi của giai cấp công nhân nước ta theo hướng đội ngũ công nhân trong thành phần kinh tế nhà nước ngày càng giảm về số lượng, trong khi đó đội ngũ công nhân trong thành phần kinh tế tư nhân và kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài phát triển rất nhanh cả về số lượng và chất lượng. Điều này ít nhiều ảnh hưởng đến vai trò nòng cốt của đội ngũ công nhân trong thành phần kinh tế nhà nước đến vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước và ảnh hưởng đến quá trình phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

Ba là, đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo, nhất là đào tạo nguồn nhân lực. Chúng ta cần đổi mới nội dung, chương trình, phương pháp đào tạo nguồn nhân lực nói chung, đối với giai cấp công nhân nói riêng. Cần phải có sự đánh giá một cách tổng thể từ giáo dục phổ thông đến giáo dục nghề nghiệp. Điều quan trọng là phải “chuyển mạnh quá trình giáo dục chủ yếu từ trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học; học đi đôi với hành, lý luận gắn với thực tiễn”.
Bốn là, đổi mới công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cho giai cấp công nhân. Để thực hiện tốt nhiệm vụ này cần đổi mới nội dung và phương thức giáo dục chính trị, tư tưởng cho giai cấp công nhân. Đại hội Đảng XII khẳng định: “Tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức, nâng cao hơn nữa tính chiến đấu, tính thuyết phục, hiệu quả của công tác tư tưởng phục vụ yêu cầu thực hiện nhiệm vụ chính trị,…”.

Cần giáo dục cho công nhân khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài hiểu được rằng, làm việc ở khu vực kinh tế nào cũng có giá trị như nhau; sự phát triển của thành phần kinh tế ngoài nhà nước góp phần vào sự phát triển chung của nền kinh tế. Công nhân cần tham gia vào việc phát triển các thành phần kinh tế này; lao động có kỷ luật, kỹ thuật, đạt năng suất và hiệu quả cao.

Cần nâng cao hiệu quả hoạt động các tổ chức chính trị - xã hội, xã hội nghề nghiệp của giai cấp công nhân. Các tổ chức này có vai trò rất quan trọng trong việc bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của công nhân. Tuy nhiên điều kiện để phát huy vai trò và chức năng của các tổ chức còn nhiều khó khăn, bất cập. Do đó, cần phải xây dựng và kiện toàn vai trò của các tổ chức chính trị - xã hội, trước hết là vai trò của tổ chức Công đoàn, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh và các tổ chức xã hội nghề nghiệp khác của giai cấp công nhân. Cần có chính sách động viên về vật chất, khuyến khích về tinh thần đối với đội ngũ cán bộ đảng ở doanh nghiệp. Đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực, phẩm chất đạo đức, bản lĩnh chính trị, nhiệt tình, tâm huyết và kỹ năng công tác cho cán bộ đảng ở doanh nghiệp.Việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công nhân vừa có tính nguyên tắc, vừa có ý nghĩa quyết định đến phát triển giai cấp công nhân vững mạnh trong quá trình đổi mới và hội nhập quốc tế.

III. Nâng cao bản lĩnh chính trị, trình độ học vấn, chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp, tác phong công nghiệp, kỷ luật lao động thích ứng với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4:

Hiện nay, thế giới đang bước vào cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, sẽ có rất nhiều đổi mới, nhưng bản chất của nó vẫn là sản xuất công nghiệp và hiển nhiên gắn liền với công nhân và công nghệ. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư diễn ra đồng nghĩa với việc phát triển như vũ bão về thông tin, có nhiều nguồn thông tin trái chiều, gây hoang mang, dao động dễ dẫn đến những biểu hiện “tự diễn biến, tự chuyển hóa”.

Hội thi "An toàn vệ sinh viên viên giỏi" được tổ chức nhằm tuyên truyền phổ biến pháp luật
và nâng cao kỹ năng nghề nghiệp cho công nhân lao động

Vì vậy, chính giai cấp công nhân Việt Nam sẽ đi đầu trong Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Sự lớn mạnh của giai cấp công nhân là một điều kiện tiên quyết bảo đảm thành công của công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế sâu rộng. Theo đó, xây dựng giai cấp công nhân bản lĩnh về chính trị, vững vàng về học vấn, chuyên môn, thành thạo về kỹ năng nghề nghiệp, nhanh nhẹn về tác phong nghề nghiệp, tuân thủ kỷ luật lao động nhằm thích ứng với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 là yêu cầu bức thiết, cần tập trung triển khai quyết liệt và có hiệu quả các giải pháp sau:

Một là, tiếp tục quán triệt sâu sắc, nâng cao nhận thức, trách nhiệm đối với việc chăm lo, bồi dưỡng, giáo dục và phát huy vai trò, tiềm năng của giai cấp công nhân Việt Nam. Tập trung thể chế hóa, cụ thể hóa các chủ trương, quan điểm của Đảng về giai cấp công nhân được thể hiện trong Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 28-01-2008 của BCH Trung ương Đảng khóa X “Về tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”.

Hai là, nâng cao bản lĩnh chính trị, tác phong công nghiệp, kỷ luật lao động của công nhân. Tổ chức tốt các hoạt động tuyên truyền, phổ biến học tập chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước sát hợp với đối tượng người lao động, trọng tâm là nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò giai cấp công nhân và Đảng Cộng sản Việt Nam trong sự nghiệp cách mạng hiện nay; về năng lực tự bảo vệ quyền lợi hợp pháp, có việc làm bền vững, an toàn, luôn gắn kết chặt chẽ với tổ chức công đoàn.

Tuyên truyền, vận động người lao động tích cực học tập, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp để thích ứng với điều kiện lao động trong bối cảnh của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. 

Ba là, nâng cao chất lượng cuộc sống, chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng, bảo đảm việc làm, tiền lương, thu nhập của công nhân. Chính phủ cần sớm xây dựng, ban hành các chính sách, biện pháp cụ thể nhằm củng cố, nâng cao vị thế và hiệu quả hoạt động của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và quản lý có hiệu quả sự ra đời và hoạt động của tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động; tạo điều kiện cho doanh nghiệp kinh doanh ổn định, thành công. Tiếp tục rà soát Luật Công đoàn năm 2012 để chủ động thực hiện hoặc kiến nghị với Chính phủ sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với các tiêu chuẩn, cam kết, công ước quốc tế mà Việt Nam đã tham gia. 

Bốn là, đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong giai đoạn mới; tập trung nguồn lực tài chính phục vụ nhiệm vụ cấp thiết của tổ chức công đoàn. Nghiên cứu, sắp xếp, hoàn thiện mô hình tổ chức, bộ máy, chức năng, nhiệm vụ của công đoàn các cấp theo hướng rõ nhiệm vụ, rõ quyền hạn của mỗi cấp công đoàn, bảo đảm tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; nghiên cứu, hoàn thiện mô hình tổ chức công đoàn ngành trung ương, công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở. Thành lập tổ chức cơ sở của công đoàn ở 100% doanh nghiệp có từ 20-25 công nhân lao động trở lên. Xây dựng đội ngũ cán bộ công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở có đủ năng lực hỗ trợ cán bộ công đoàn cơ sở trong việc thương lượng tập thể, đối thoại, tư vấn pháp luật, giải quyết tranh chấp lao động, phát triển đoàn viên.

Triển khai Đề án xây dựng nguồn lực đủ mạnh của tổ chức công đoàn để thực hiện nhiệm vụ trong giai đoạn mới; xây dựng, phát huy hiệu quả thiết chế công đoàn ở các khu công nghiệp, khu kinh tế trở thành biểu tượng hành động nâng cao đời sống công nhân.

Để thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm nêu trên, Bộ Chính trị, Ban Bí thư cần đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X, đồng thời đề ra các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện các chủ trương, quan điểm của Đảng về xây dựng giai cấp công nhân trong Văn kiện trình Đại hội đảng các cấp và Đại hội XIII của Đảng; bên cạnh đó, bổ sung nội dung: có tỷ lệ thích hợp cán bộ công đoàn vào thường vụ cấp ủy các cấp ở những nơi có nhiều khu công nghiệp, đông công nhân. Xây dựng chiến lược phát triển giai cấp công nhân, nhất là đội ngũ công nhân, lao động thực hành giỏi, tay nghề cao để đáp ứng nhu cầu lao động trong xu thế vận hành của Cách mạng công nghệ 4.0, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và hội nhập quốc tế.

IV. Kết luận:

Giai cấp công nhân nước ta đã và đang có sự biến đổi quan trọng, đang tiếp tục phát huy vai trò là giai cấp lãnh đạo cách mạng thông qua đội tiền phong là Đảng Cộng sản Việt Nam. Phát triển giai cấp công nhân Việt Nam lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng, không ngừng học tập, rèn luyện để nâng cao bản lĩnh chính trị, trình độ học vấn, chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp tay nghề, nắm bắt khoa học kỹ thuật, nâng cao tác phong công nghiệp, ý thức tổ chức kỷ luật lao động góp phần tăng năng suất lao động, phát triển bền vững doanh nghiệp, đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước để giai cấp công nhân Việt Nam xứng đáng là giai cấp lãnh đạo cách mạng, là lực lượng đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế./.

Tác giả bài viết: Trần Quang Trung

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Đường dây nóng
hotline
Trưởng ban: 
Ông Phạm Ngọc Minh
0982.595.373
Phó Chánh VP: 
Ông Nguyễn Phước Đại
0903.535.945
Trưởng phòng QLĐTDN: 
Ông Nguyễn Văn Tuấn
0914.064.845
 

 

 

 

Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Quảng Trị
ĐC: 91 Lê Duẩn, TP Đông Hà, Quảng Trị 
ĐT: 0233.3859713 - Fax: 0233.3551729 - Email: bqlkkt@quangtri.gov.vn